|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhà sáng lập xúc xích Đức Việt đang thế chấp bao nhiêu căn condotel tại Cocobay Đà Nẵng?

12:38 | 29/11/2019
Chia sẻ
Ông Mai Huy Tân, nhà sáng lập xúc xích Đức Việt đang thế chấp hàng loạt căn hộ condotel giá từ vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng mỗi căn thuộc dự án Cocobay Đà Nẵng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB).

Ông Mai Huy Tân, sau khi bán Xúc xích Đức Việt cho Tập đoàn Daesang Corp, Hàn Quốc vào năm 2016, đã dùng toàn bộ gia sản để đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng.

Theo tài liệu người viết có được, ông Tân sở hữu khoảng 44 căn condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng.

Trong đó, có hai căn Coco Ocean Resort theo hợp đồng số 114 và 115/HĐMB/Coco Ocean Resort ngày 3/11/2016; 34 căn Boutique Hotel thuộc Khối nhà liền kề Hoàng Gia A1 theo hợp đồng từ 001-034/2016/HĐMB/Boutique Hotel-MB ngày 5/12/2016 (với "thời hạn sử dụng lâu dài" và "mục đích sử dụng là đất ở") và 8 căn Coco Skyline Resort theo hợp đồng 120-127/HĐMB/Coco Skyline Resort-MB ngày 25/1/2017 (với "thời hạn sử dụng lâu dài" và "mục đích sử dụng là để ở và kinh doanh").

Giá các căn Boutique Hotel dao động từ 13 đến 19 tỉ đồng mỗi căn, còn Coco Skyline Resort (36,42 m2/căn) có giá gần 3 tỉ đồng mỗi căn.

Ngoài ra, doanh nhân này còn sở hữu 8 căn biệt thự tại Khu Naman Retreat & Residences (380 m2) theo hợp đồng số 01-08/2016HĐMB/Naman Residences, mỗi căn có giá từ 15 đến 16 tỉ đồng.

Riêng tổng giá trị của 24 căn Boutique Hotel, 2 căn Coco Ocean Resort và 8 căn biệt thự Naman Residences là gần 507 tỉ đồng (chưa bao gồm VAT). Còn 8 căn Coco Skyline Resort có tổng giá trị gần 14 tỉ đồng (đã bao gồm VAT).

Tuy nhiên, không lâu sau khi mua lại các dự án tại Cocobay Đà Nẵng cũng như Naman Retreat, dưới pháp nhân Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức, ông Mai Huy Tân đã thế chấp toàn bộ tài sản này tại ngân hàng SHB chi nhánh Hàng Trống.

Cụ thể, ngày 30/12/2016, Nhịp cầu Việt Đức đã thế chấp quyền tài sản phát sinh từ 34 HĐMB nhà ở, gồm 24 căn Boutique Hotel (011-034/2016/HĐMB/Boutique Hotel-MB), hai căn Coco Ocean Resort và 8 căn biệt thự tại Khu Naman Retreat & Residences.

Đồng thời, công ty cũng thế chấp toàn bộ nguồn thu phát sinh từ việc cho thuê 24 căn Boutique Hotel (001-024/2016/HĐMB/Boutique Hotel-MB), hai căn Coco Ocean Resort và 8 căn biệt thự tại Khu Naman Retreat & Residences.

Tiếp đó vào ngày 30/3/2017, Nhịp cầu Việt Đức cũng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ 8 căn condotel Cổ cò 2 - Coco Skyline Resort thuộc Cocobay Đà Nẵng.

Thông tin với báo chí mới đây, ông Tân cho biết đã bỏ ra gần 600 tỉ đồng để mua các dự án Cocobay. Trong đó, 402 tỉ đồng vay từ ngân hàng SHB với lãi suất hơn 8% mỗi năm trong vòng 18 tháng. Hiện tại mức lãi suất này là 10,4% mỗi năm.

Theo hợp đồng đã kí, chủ đầu tư Thành Đô phải trả 67,7 tỉ đồng mỗi năm tiền thu nhập cam kết cho Nhịp cầu Việt Đức.

Thành Đô đã trả cho công ty của ông Tân hai năm và tạm ứng kì 1 năm 2019 với số tiền 14,5 tỉ đồng và còn nợ 54 tỉ đồng. Trong khi đó, Nhịp cầu Việt Đức đã trả cho SHB 74 tỉ đồng tiền gốc và 76 tỉ đồng tiền lãi.

Theo thông tin từ HĐMB nhà ở được kí kết giữa Nhịp cầu Việt Đức và Thành Đô, các căn condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng đều có thời hạn sử dụng lâu dài.

Trong khi đó, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, các địa phương như Nha Trang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Quốc cấp sổ đỏ, quyền sử dụng đất ở, ổn định lâu dài không hình thành đơn vị ở là trái Luật Đất đai.

Căn cứ Luật Đất đai hiện nay chỉ cấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu căn hộ condotel cho nhà đầu tư thứ cấp là sở hữu có thời hạn theo thời hạn của dự án. Vấn đề này luật chưa qui định cụ thể nên chính quyền các địa phương không biết cách nào để giải quyết.

Việc chủ đầu tư huy động vốn từ khách hàng dưới hình thức bán căn hộ condotel chỉ mới xuất hiện từ năm 2014 trở lại đây.

Thực tế, condotel là sản phẩm xây dựng nên chủ đầu tư được phép bán một phần sản phẩm xây dựng này, luật không cấm nhưng luật thiếu những qui định để quản lí.

Nguyên Ngọc