Nguyên Thứ trưởng Xây dựng: 'Người trẻ không nên dốc hết tiền mua nhà'
Những kiến nghị phát triển nhà ở xã hội được nhiều chuyên gia đề xuất tại hội thảo nhằm xây dựng chính sách tổng thể cho Việt Nam giai đoạn 2021-2030 sáng ngày 21/2.
Trong đó, bên cạnh các kiến nghị về nguồn vốn, chính sách..., ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Xây dựng cho rằng, về lâu dài, người dân cũng cần chuyển từ quan niệm "phải sở hữu nhà" sang "có chỗ ở", tức là có thể đi thuê nhà. Theo ông, hiện nhu cầu nhà ở rất cao, song giá nhà tại các thành phố lớn của Việt Nam vẫn cao so với thu nhập bình quân nên việc tiếp cận của những đối tượng này còn hạn chế.
"Với người trẻ, chưa có nhiều tích lũy, có thể cân nhắc không nên dốc hết tiền mua nhà mà vẫn có chỗ ở như mong muốn bằng cách đi thuê nhà tại những dự án phù hợp với khả năng tài chính cũng như thuận lợi cho công việc của mình", ông Nam nói và cho rằng đây là xu hướng chung trên thế giới và cũng đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.
Một dự án chung cư tại Hà Nội. Ảnh: CĐT
Tại hội thảo, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng thừa nhận tâm lý chỉ muốn mua sở hữu thay vì thuê nhà ở là một trong những nguyên nhân cản trở việc phát triển nhà ở xã hội. Hiện, nhiệm vụ này mới đạt khoảng 33% so với mục tiêu cần có 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020. Mặc dù Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều hạn chế về nguồn vốn, quỹ đất, nhà đầu tư...
Chia sẻ tại hội thảo, ông Kim Nam Jung, từ Viện Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc (LHI Consortium) cũng nêu những kinh nghiệm phát triển nhà ở công cộng cho thuê tại Hàn Quốc - loại hình được sự tương đồng với nhà ở xã hội tại Việt Nam.
Phân khúc này tại Hàn Quốc được chia thành nhiều nhóm nhỏ. Trong đó, nhà cho thuê được xây dựng theo mô hình công trình công cộng sẽ có nhà tài trợ là chính quyền địa phương, trung ương hoặc Quỹ nhà ở quốc gia. Giá thuê của những căn hộ này dưới mức thị trường với thời hạn thuê từ 5 năm cho đến 50 năm. Ngoài ra, nhóm nhà ở cho thuê nhưng là công trình tư nhân, được xây dựng từ quỹ tư nhân, có giá thuê không ổn định và thường thời hạn chỉ 5 năm. Bên cạnh quỹ của nhà phát triển, loại hình này còn sử dụng tiền ký quỹ của người thuê.
Một nhóm nữa là nhà cho thuê được mua với thời hạn từ 5 đến 10 năm, sử dụng vốn tư nhân. Với các loại hình này, Hàn Quốc đều có chính sách bảo vệ người thuê, mua lại nhà cho thuê mất khả năng thanh toán, thu hồi tiền ký gửi cho thuê, các tài trợ và hỗ trợ thông qua quỹ nhà ở và đô thị.
Đại diện LHI cho biết, trước đây Chính phủ có vai trò lớn trong việc phát triển nhà ở công cộng cho thuê tại Hàn Quốc, song trách nhiệm này gần đây được giao nhiều hơn cho chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, trong tham luận hội thảo, ông Nguyễn Văn Nam, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng chia sẻ những khó khăn khi địa phương này phát triển nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách. Ông cho biết, Đà Nẵng hiện có hơn 10.000 căn hộ đã hoàn thiện và đi vào sử dụng, nhưng đến nay số nhà ở xã hội lại thành gánh nặng với ngân sách thành phố. Việc thu hồi vốn để thực hiện tái đầu tư với các dự án nhà ở xã hội diễn ra chậm. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế thì việc cân đối ngân sách để phát triển mới các dự án nhà ở xã hội rất khó khăn.
Địa phương cũng có cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia nhưng vẫn gặp nhiều trở ngại. "Nên chăng có cơ chế vay vốn ODA hoặc World Bank để đầu tư nhà ở xã hội", lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng nêu.
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết, Việt Nam có mức độ đô thị hoá nhanh với ước tính khoảng một triệu dân cư đô thị mới tăng lên mỗi năm. Dự báo đến năm 2020, 40% dân số Việt Nam trên tổng số khoảng 100 triệu dân sống ở đô thị. Khi tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, sức ép về nhà ở tăng cao dẫn đến giá nhà đất tại đô thị sẽ ngày càng đắt đỏ. Bên cạnh đó, số lượng người nghèo đô thị cũng tăng lên và phải đối mặt với khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở với giá phù hợp với khả năng về tài chính của họ.
"Từ đó, phát sinh các khu nhà ở tạm bợ, có hoặc không có cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản. Do đó, với các đối tượng là hộ gia đình nghèo hoặc không có khả năng về tài chính để tự lo về nhà ở thì Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển nhà ở với giá cả phù hợp", ông Sinh nói.
Ông Kim Nam Jung cũng nhận định hiện nhiều quốc gia lựa chọn các quy định mang tính tiêu cực liên quan đến các tiêu chuẩn xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, hình ảnh thương hiệu nhà ở xã hội Việt Nam trong tương lai cần theo hướng tích cực, ví dụ như môi trường sống tốt, thoải mái, an toàn và đáng tin cậy để thu hút hơn với người mua nhà.