Nguy cơ gì ở Trung Quốc ghê gớm hơn cả thương chiến với Mỹ?
Bất động sản ở Trung Quốc chủ yếu phục vụ cho người giàu thay vì số đông dân lao động - Ảnh: CHINA DAILY |
Giáo sư Panos Mourdoukoutas, thuộc Đại học LIU Post (New York, Mỹ), nhận định trên tạp chí Forbes rằng vấn đề dài hạn của Trung Quốc không phải là cuộc thương chiến ồn ào với Mỹ thời gian gần đây.
Theo ông, bóng ma nguy hiểm chính là "bong bóng" giá nhà ở - tức tình trạng giá nhà tăng ngất ngưởng, làm giàu cho tầng lớp thượng lưu nhưng lại phá nát giấc mơ an cư lạc nghiệp của số đông thế hệ trẻ.
Giá nhà tăng 44 tháng liên tiếp
Giá trung bình một căn hộ mới xây ở 70 thành phố Trung Quốc tăng khoảng 9,7% trong tháng 12-2018 so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của trang Tradingeconomics.com. Đó là tháng thứ 44 tăng liên tiếp của giá nhà, và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 7-2017.
Giá nhà ở tăng phi lý biến ước mơ sở hữu một căn nhà của đại đa số người dân vượt quá tầm tay. Điều này làm tổn thương triển vọng tăng trưởng dài hạn hơn bất cứ cuộc chiến tranh thương mại nào.
Thực tế, thương chiến chỉ là vấn đề tạm thời. Nó sẽ trôi qua một khi Washington và Bắc Kinh tìm ra giải pháp xoa dịu được tâm lý dân tộc ở cả hai nước.
Nhưng thực trạng giá nhà bóp nghẹt giấc mơ xây dựng gia đình của người trẻ sẽ không biến đi, nó cứ còn đây và có thể phức tạp thêm bởi các yếu tố khác cộng dồn, chẳng hạn bẫy thu nhập trung bình và điểm ngoặt Lewis (tình trạng thiếu hụt lao động khiến giá thành sản xuất nông - công nghiệp tăng, khiến nền kinh tế bị khủng hoảng và suy thoái - PV).
Tệ hơn nữa, hiện tượng giá nhà tăng nhanh ở các thành phố lớn Trung Quốc không phải là vô tình. Đó là sản phẩm trực tiếp tạo ra bởi chính sách đất đai của chính quyền địa phương, vốn ưu ái người giàu hơn tầng lớp lao động.
Như thế nào? Bằng cách tạo ra hàng loạt "thành phố ma" - cụm từ mô tả khu dân cư với các tòa nhà, căn hộ và trung tâm thương mại trống rỗng. Trống vì dân lao động có nhu cầu nhưng làm gì có tiền mà mua. Chúng thuộc về những người giàu, họ mua rồi để đó, chờ khi giá tăng rồi bán lại kiếm lời.
Một căn hộ như thế này chỉ nằm trong mơ đối với đa số người lao động Trung Quốc - Ảnh: Somerset JieFangBei Chongqing |
Giới trẻ không an cư, gây bất an xã hội
"Sự khác biệt giữa giá nhà xây mới và ví tiền của một người Trung Quốc trung bình rõ như đen và trắng" - tác giả Ruchir Sharma viết trong quyển sách "Các quốc gia vượt lên: Hành trình đi tìm phép màu kinh tế tiếp theo".
Theo cách đó, hoạt động đầu cơ gây ra tình trạng thiếu nhà ở nghiêm trọng, đẩy giá nhà sang tay lên cao chưa từng thấy. Chỉ số Giá nhà sang tay Thượng Hải - một ví dụ - đã tăng từ dưới 1.000 điểm năm 2003 lên khoảng 4.000 điểm năm 2017.
Đó là tin xấu cho những người trẻ muốn mua nhà để xây dựng một mái ấm. Điều này giải thích phần nào sự sụt giảm gần 30% của tỉ lệ kết hôn ở Trung Quốc trong 5 năm trở lại đây.
Nó như một hiệu ứng domino rất xấu. Tỉ lệ kết hôn thấp, theo tác động dây chuyền, lại là tin xấu cho tăng trưởng kinh tế dài hạn. Nó dẫn đến tỉ lệ sinh thấp, rồi lực lượng lao động thu nhỏ lại - sẽ có quá ít người trong độ tuổi lao động, và họ phải "cày" để nuôi nhiều người về hưu như ông bà, cha mẹ...
Cấu trúc dân số mất cân bằng lại tiếp tục tác động đến tiêu dùng, có thể phá vỡ kế hoạch chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng nhờ đầu tư sang nền kinh tế hướng tiêu dùng của Bắc Kinh...
Trên thế giới, Nhật Bản là nước từng đối mặt với các vấn đề trên, và họ đã trải qua "3 thập niên lạc lối" (giai đoạn kinh tế suy thoái).
Thậm chí sau khi dàn xếp xong tranh chấp thương mại với Mỹ, Trung Quốc có thể phải đếm nhiều thập niên (suy thoái) hơn cả nước Nhật.