Nguy cơ dòng vốn chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi
Chính phủ nhiều nền kinh tế mới nổi đang hành động nhanh chóng để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh các điều kiện tài chính bị thắt chặt do dòng vốn nước ngoài ồ ạt rút khỏi thị trường.
Đại dịch đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân trên toàn cầu và có thể đưa nhiều quốc gia tới bờ vực của một cuộc khủng hoảng kinh tế. Đó là những nước dễ bị tổn thương với “thâm hụt kép” bao gồm thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt ngân sách.
Sự bất ổn do dịch bệnh bùng phát chắc chắn sẽ nới rộng mức thâm hụt trong ngân sách quốc gia, trong khi giá cả hàng hóa xuất khẩu, như tài nguyên thiên nhiên và các sản phẩm nông nghiệp, cũng khiến thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai trở nên tồi tệ hơn.
Bên cạnh đó, đồng nội tệ yếu khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng, dẫn đến giảm chi tiêu trong nước. Giao thông đi lại bị đình trệ khiến các doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Chi tiêu và đầu tư tiếp tục giảm dẫn sẽ đến suy thoái kinh tế.
Để đối phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, ngân hàng trung ương ở các quốc gia mới nổi đã tích cực nới lỏng các chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế. Ít nhất 22 ngân hàng trung ương của các quốc gia mới nổi đã giảm lãi suất trong tuần này, với mức giảm 3 điểm phần trăm ở Ai Cập và 1 điểm phần trăm trở lên ở Ghana và Thổ Nhĩ Kỳ.
Brazil tuyên bố giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm xuống còn 3,75% vào tối ngày 18/3. Indonesia hôm 19/3 thông báo giảm lãi suất chủ chốt 0,25 điểm phần trăm xuống 4,5%. Philippines cùng ngày cũng giảm lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm xuống 3,25%, đánh dấu quyết định hạ lãi suất trong hai cuộc họp chính sách liên tiếp.
Tuy nhiên, việc hạ lãi suất có xu hướng làm trầm trọng thêm sự mất giá của đồng nội tệ, do đó cần chờ xem các ngân hàng trung ương sẽ đi xa đến đâu trên con đường nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu ròng xăng dầu, có thể được hưởng lợi nhờ giá dầu thấp. Tuy nhiên, quan ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến đồng rupee giảm giá và gây ra xu hướng rút vốn khỏi thị trường nước này.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 19/3 đã kêu gọi 1,3 tỷ công dân ở trong nhà để bảo vệ bản thân khỏi virus SARS-CoV-2. Ông đề nghị một lệnh giới nghiêm mà mọi người tự thực hiện từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối kể từ ngày 22/3. Điều này chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm các ảnh hưởng của COVID-19 đối với nền kinh tế.
Trong phiên giao dịch 19/3, đồng rupee của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, với 75 rupee đổi 1 USD. Trong khi đó, đồng rupiah của Indonesia cũng đã có thời điểm giao dịch ở mức 15.400 rupiah đổi 1 USD, ghi nhận mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1998. Cùng phiên, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm giá so với đồng USD và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9/2018.
Đáng lưu ý, tại các quốc gia mới nổi, dòng vốn đang chảy khỏi thị trường chứng khoán và thị trường nợ ở quy mô chưa từng có.
Theo một báo cáo từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), trong vòng hai tháng tính từ phiên ngày 21/2 - thời điểm thị trường đón nhận tin tức đại dịch đã bùng phát ở Trung Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút tổng cộng 78 tỷ USD từ thị trường cổ phiếu và trái phiếu của các thị trường mới nổi.
Con số này cao gấp ba lần so với thống kê trong ba tháng sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ vào tháng 9/2008.
Theo Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng của IIF, xu hướng này đã làm cho cho dòng vốn đột ngột bị đình trệ và gây ra sự thắt chặt trong điều kiện tài chính, khiến các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ “đói” tín dụng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tìm cách giảm bớt nguy cơ thiếu hụt USD trên toàn cầu bằng cách thiết lập các hệ thống hoán đổi tiền tệ với 8 ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi, bao gồm Anh, Nhật Bản, Canada, Thụy Sỹ, châu Âu (ECB), Brazil, Mexico và Hàn Quốc.
Fed sẽ cung cấp cho các ngân hàng này nguồn vốn bằng đồng USD lên tới 60 tỷ USD mỗi lần trong ít nhất sáu tháng. Biện pháp này tương tự như những gì đã được thực hiện nhằm cung cấp thanh khoản trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Tuy nhiên, 10 năm sau cuộc khủng hoảng đó, các điều kiện tài chính đã thay đổi đáng kể đối với nhiều nền kinh tế mới nổi.
Theo Richard Kozul-Wright, Giám đốc chiến lược toàn cầu hóa và phát triển tại Cơ quan thương mại và phát triển của Liên Hợp Quốc (UNCTAD), đồng bạc xanh sẽ tiếp tục mạnh lên và các nền kinh tế mới nổi sẽ chịu áp lực lớn hơn nữa.
Theo ông Kozul-Wright, các quốc gia ở châu Phi phía Nam sa mạc Sahara là những nước dễ bị tổn thương nhất bởi nợ nước ngoài lớn trong những năm gần đây và họ sẽ không thể trả được bất kỳ khoản nợ nào.
Nhiều chính phủ của các quốc gia mới nổi đã củng cố dự trữ ngoại hối - vốn được coi là một bộ đệm chống khủng hoảng, và thành công trong việc giảm lạm phát và biến động tiền tệ. Điều này đã giúp xây dựng lòng tin của các nhà đầu tư.
Trong bối cảnh hiện nay, các nhà hoạch định chính sách tại thị trường mới nổi đã nhanh chóng nới lỏng các điều kiện tài chính trong thời gian này.
William Jackson, nhà kinh tế trưởng về thị trường mới nổi tại công ty tư vấn Capital Economics nhận định, điều tích cực là các ngân hàng trung ương đã ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng sản lượng thông qua việc cắt giảm lãi suất hay vì lo lắng về áp lực đối với giá trị đồng nội tệ.
Phản ứng trong chính sách tiền tệ đã rất nhanh chóng, không chỉ bằng sự điều chỉnh lãi suất mà với nhiều biện pháp khác nhau sẽ giúp các nước này dễ dàng tiếp cận thanh khoản và trả nợ hơn, chuyên gia này cho biết.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng hiệu quả của chính sách tiền tệ có thể là tương đối nhỏ. Nhiều quốc gia đã có thâm hụt ngân sách lớn trong vòng 10 năm qua khiến việc tăng chi tiêu công trở nên khó khăn hơn.
Ví dụ, các khoản nợ nước ngoài của các nước châu Phi cận Sahara đã tăng mạnh, từ 235 tỷ USD trong năm 2008 lên 634 tỷ USD vào năm 2019, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tương đương mức tăng từ 21% GDP lên 36% GDP.
Chuyên gia Jackson nhận xét chính sách tiền tệ có thể hỗ trợ rất ít trong việc giải quyết mối đe dọa do dịch COVID-19 gây ra cho các cộng đồng nghèo khó. Đây cũng là những quốc gia mà hệ thống phúc lợi và dịch vụ y tế rất yếu và nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan rất nhanh.
Nhiều nền kinh tế lớn mới nổi sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tăng chi tiêu công như cách mà họ đã áp dụng để giải quyết cuộc khủng hoảng 2008-2009.
IMF ngày 16/3 cam kết sẽ cung cấp các khoản vay tổng trị giá 1 triệu USD để hỗ trợ các quốc gia đối phó với đại dịch COVID-19 trong đó 50 tỷ USD dành cho các nền kinh tế mới nổi và 10 tỷ USD dành cho các nước thu nhập thấp với lãi suất 0%.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho biết sẽ bổ sung thêm 14 tỷ USD trong gói hỗ trợ tài chính nhanh để giúp các công ty và chính phủ ứng phó với dịch bệnh.