Nguy cơ Chiến tranh Lạnh từ chỉ trích Trung Quốc của Phó tổng thống Mỹ
Căng thẳng Mỹ - Trung không có dấu hiệu hạ nhiệt có thể khiến các nước Đông Nam Á lâm vào thế khó khi phải chọn đứng về phe ai.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tại APEC ở Papua New Guinea ngày 17/11. Ảnh: AFP. |
Kể từ khi Liên Xô tan rã vào đầu những năm 1990, Đông Nam Á đã tìm cách tránh mắc kẹt trong cuộc chiến giữa các cường quốc. Tuy nhiên, chính quyền Trump đang làm cho lập trường đó ngày càng khó đứng vững, theo Bloomberg.
Phó Tổng thống Mike Pence đã chỉ trích gay gắt Trung Quốc trong một tuần tham dự các hội nghị thượng đỉnh vừa qua, đáng chú ý nhất là kêu gọi các quốc gia tránh các khoản vay khiến họ mắc "bẫy nợ" của Bắc Kinh. Ông nói rằng Mỹ sẽ không chấm dứt chiến tranh thương mại nếu Trung Quốc "không thay đổi bản thân" và còn dọa tăng gấp đôi thuế với hàng Trung Quốc.
"Phát biểu của ông Pence khá đáng lo ngại vì điều đó cho thấy chúng ta đang đi tới trò chơi địa chính trị mà một bên ăn cả, bên kia ngã về không ở châu Á - Thái Bình Dương", Jonathan Pryke, chuyên gia tại Viện Lowy, trung tâm nghiên cứu ở Sydney, nói. "Hy vọng về việc Trung Quốc và Mỹ giảng hòa ngày càng khó xảy ra hơn".
Các cuộc họp ở Singapore và Papua New Guinea không cho thấy dấu hiệu rằng Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đạt được thỏa thuận khi họ gặp nhau bên lề G20 ở Argentina cuối tháng này. Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm nay không đưa ra được tuyên bố chung, phản ánh căng thẳng giữa hai nước.
Đầu tháng này, cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Hank Paulson cảnh báo về "màn sắt kinh tế" phân chia thế giới nếu Mỹ và Trung Quốc không giải quyết được những khác biệt. Hậu quả là bên này từ chối mọi công nghệ, vốn và đầu tư từ bên kia, đảo ngược hàng chục năm tăng trưởng từ toàn cầu hóa.
Các nền kinh tế nhỏ hơn ở châu Á - Thái Bình Dương từ lâu đã tìm cách cân bằng mối quan hệ, tranh thủ lợi ích khi giao dịch thương mại với Trung Quốc trong khi dựa vào Mỹ để kiềm chế sự quyết liệt của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại đã nâng cao nguy cơ rằng các quốc gia giờ đây cần phải lựa chọn đứng vào bên nào, đặc biệt khi các đòn áp thuế của Mỹ có thể dẫn đến việc thay đổi chuỗi cung ứng lâu năm.
"Các nước nhỏ hơn không muốn lựa chọn hoặc là Washington hoặc là Bắc Kinh. Điều họ muốn là tìm ra không gian ở giữa và theo đuổi lợi ích riêng của họ", Richard Maude, cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia nói hồi đầu tháng này.
"Trung Quốc và Mỹ sẽ cố gắng hết sức trong vài năm tới để quyến rũ các nước trong khu vực", Minxin Pei, giáo sư tại Đại học Claremont McKenna College ở California, đánh giá.
Trong chuyến công du châu Á, Pence cho biết Mỹ cung cấp "lựa chọn tốt hơn" cho các quốc gia trong khu vực và công bố kế hoạch cùng với các đồng minh chủ chốt ở Thái Bình Dương xây dựng mạng lưới điện trị giá 1,7 tỷ USD ở Papua New Guinea. Mỹ cũng tham gia với Australia để tái phát triển một căn cứ hải quân và tổ chức cuộc họp của "Quad" - nhóm bao gồm cả Ấn Độ và Nhật Bản trong nỗ lực cân bằng sức mạnh kinh tế và quân sự đang gia tăng của Trung Quốc.
Pence cũng ngầm chỉ trích sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập khi nói rằng Mỹ không "khiến các đối tác chết chìm trong biển nợ" hoặc "cung cấp một vành đai ngày càng siết chặt hay đường chỉ có đi chứ không có về". Sri Lanka đã phải cho Trung Quốc thuê một cảng chiến lược trong 99 năm vì không trả được nợ cho nước này.
So với Pence, ông Tập có một thông điệp nhẹ nhàng hơn với châu Á trong tuần này. Ông ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, kêu gọi hợp tác nhiều hơn và nói rằng các đòn áp thuế và phá vỡ các chuỗi cung ứng "chắc chắn sẽ thất bại". Ông cũng bảo vệ sáng kiến Vành đai và Con đường, nói rằng nó không phải là một cái bẫy như nhiều người nói.
"Vì căng thẳng với Mỹ ngày càng tăng, phương pháp tiếp cận của Trung Quốc với các nước láng giềng sẽ thay đổi. Trung Quốc muốn có được càng nhiều bạn càng tốt", Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, đánh giá.
Sau APEC, ông Tập sẽ đến thăm Brunei và Philippines. Chủ tịch Trung Quốc gần đây tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong chuyến thăm song phương đầu tiên của một lãnh đạo Nhật đến Bắc Kinh trong 7 năm.
Đồng minh cảnh báo
Mặc dù có quan hệ an ninh mạnh mẽ với Mỹ, cả Nhật lẫn Australia đều không ủng hộ các chính sách bảo hộ theo chiến lược "nước Mỹ trước tiên" của Trump. Cả hai tiếp tục thúc đẩy Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút lui. Thủ tướng Australia Scott Morrison đã sử dụng bài phát biểu của mình tại APEC để cảnh báo rằng "những đòn đáp trả và đe dọa chiến tranh thương mại không mang về lợi ích cho ai cả".
"Vai trò của chúng tôi ở đây là để tối đa hóa lợi ích của Australia", Morrison nói với các phóng viên. "Điều đó được thực hiện bằng cách làm việc tích cực với đối tác lâu dài của chúng tôi, Mỹ và làm việc chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc".
Ông Pence cố gắng làm giảm nhẹ lo ngại rằng hành động của Mỹ sẽ dẫn đến các tổn thương kinh tế và khiến các nước buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. "Cạnh tranh quyền lực lớn giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực này không có nghĩa là thù địch", Pence nói. "Chúng tôi tin rằng vấn đề này có thể được giải quyết tại bàn đàm phán".
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng điều này sẽ không sớm xảy ra. "Đây chỉ là một phần trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Nó sẽ diễn ra trong một thời gian dài", Kunihiko Miyake, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, đánh giá. "Nó sẽ là một cuộc chiến tranh lạnh, dù chúng ta có gọi như vậy hay không".