|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nguồn vốn cạn kiệt, các doanh nghiệp SME kiến nghị lập Quỹ bảo lãnh cho vay 100.000 tỷ đồng

08:08 | 04/10/2021
Chia sẻ
Liên minh Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vừa có Thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính lập Quỹ bảo lãnh cho vay đối với các doanh nghiệp này, hạn mức lên đến 100.000 tỷ đồng.

Theo thư kiến nghị của Liên minh Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Liên minh SME cho rằng việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều thách thức, theo báo Tin tức.

"Các cơ chế chưa có tiền lệ trước đây về điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp khiến các ngân hàng vẫn e dè, hạn chế hoặc né tránh việc cho vay. Bên cạnh đó, các chính sách được các địa phương triển khai chậm, không đồng bộ, thậm chí là chưa triển khai khiến các doanh nghiệp hoài nghi về việc hồi phục kinh doanh trong thời gian tới", ông Dominic Vũ, Chủ tịch Liên minh cho biết.

Theo liên minh, cần có cơ chế hỗ trợ khẩn cấp trong tình huống đặc biệt này để giúp cho các doanh nghiệp SME (chiếm trên 95% số lượng doanh nghiệp hiện nay) vượt qua giai đoạn khó khăn, nhanh chóng vận hành trở lại để tiếp tục đóng góp cho ngân sách, duy trì đời sống cho người lao động.

Cụ thể, Liên minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính lập Quỹ Bảo lãnh cho vay Doanh nghiệp SME với hạn mức 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp và không cần tài sản đảm bảo là bất động sản.

Để được bảo lãnh tín dụng, doanh nghiệp cần chứng minh hoạt động tốt trước dịch, có báo cáo tài chính lành mạnh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có hợp đồng/đơn hàng xuất nhập khẩu hoặc bán hàng trong vòng 6 tháng tới.

Các doanh nghiệp SME cũng kiến nghị Thủ tướng lập Tổ công tác đặc biệt để phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trong việc rà soát, giám sát việc triển khai chính sách, đưa ra các tiêu chí về chỉ tiêu mở cửa hoạt động kinh doanh.

Liên minh doanh nghiệp SME kiến nghị lập Quỹ bảo lãnh cho vay 100.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Người lao động trong một doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội. (Ảnh: Laodong).

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), đánh giá sức chịu đựng của doanh nghiệp gần cạn kiệt do dịch bùng phát gần 2 năm nay. Khó khăn của doanh nghiệp đến phần lớn từ việc đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng. Điều doanh nghiệp mong mỏi là nhà nước bơm "oxy tín dụng" để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

“Chưa năm nào tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới thấp hơn khá nhiều so với số doanh nghiệp ngừng sản xuất, giải thể như năm nay. Rõ ràng là doanh nghiệp đang gặp khó khăn", ông Thúy chia sẻ.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp thành lập mới là 85,5 nghìn, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90.300 doanh nghiệp, tăng 15,3%. Như vậy, trung bình một tháng, Việt Nam có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo kết quả điều tra khảo sát mới nhất do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tháng 9 trên gần 3.000 doanh nghiệp, có tới 93,9% đơn vị được khảo sát cho biết tác động của dịch ở mức độ "hoàn toàn tiêu cực" và "phần lớn là tiêu cực", tăng so với con số 87,2% của khảo sát năm 2020.

Trong đó, khoảng 60% doanh nghiệp cho biết tác động của COVID-19 "phần lớn là tiêu cực" và 34% doanh nghiệp nhận định COVID-19 tác động "hoàn toàn tiêu cực" (gấp đôi so với mức 15% của năm 2020). 

Chỉ có khoảng 4% cho biết không bị ảnh hưởng bởi dịch và khoảng 2% cho biết đại dịch có tác động tích cực mang lại cơ hội cho doanh nghiệp để phát triển.

Về lao động, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có xấp xỉ 9 doanh nghiệp chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát. 

Tình trạng này tương đối giống nhau ở tất cả các nhóm quy mô doanh nghiệp, trong đó khoảng 92% doanh nghiệp quy mô lớn báo cáo tình trạng cho thôi việc người lao động. Tỷ lệ này ở các nhóm quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ lần lượt là 81%, 94% và 90%.

Mới đây, Báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Khu vực Kinh tế Tư nhân Việt Nam của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị: Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển vượt bậc của Việt Nam thời gian qua, cần được khai thác mạnh mẽ hơn. 

Với làn sóng dịch bệnh hiện nay, Việt Nam càng phải thúc đẩy một khu vực tư nhân năng động, đa dạng và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn phục hồi hậu COVID-19.

Thảo Bùi

MBS dự phóng lợi nhuận 4 ngành có thể tăng bằng lần trong quý IV
Lợi nhuận một số ngành dự báo giảm trong quý cuối năm như bất động sản khu công nghiệp do còn đợi hoàn thiện khung chính sách hay dầu khí do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.