Nguồn cung condotel Đà Nẵng, Nha Trang 20.000 căn, quý III cả nước chỉ tiêu thụ được 1.000 căn
Cung cầu sụt giảm, Hội Môi giới đề xuất tạm dừng phát triển mới các dự án BĐS nghỉ dưỡng | |
Cung cầu condotel quý III sụt giảm mạnh, các chủ đầu tư không dám ra hàng |
Trong tham luận tại Hội thảo Chiến lược gia tăng giá trị bất động sản (BĐS) do The Leader tổ chức mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Nguyễn Trần Nam nhận định, thị trường BĐS nghỉ dưỡng nói chung và phân khúc condotel nói riêng ghi nhận sự chững lại của cả nguồn cung và giao dịch trong quý III/2018.
“Hầu hết ở các vùng phát triển mạnh về BĐS nghỉ dưỡng đều không có nguồn cung mới chào hàng, lượng giao dịch cả nước về sản phẩm condotel trong quý III/2018 chỉ đạt khoảng hơn 1.000 sản phẩm, trong khi nguồn cung hiện tại chỉ tính riêng Đà Nẵng và Nha Trang đã là khoảng 20.000 sản phẩm”, ông Nam dẫn chứng số liệu.
Chủ tịch VNREA dẫn số liệu cho biết, lượng giao dịch condotel cả nước quý III chỉ hơn 1.000 sản phẩm, trong khi nguồn cung hiện tại của riêng Đà Nẵng và Nha Trang đã khoảng 20.000 sản phẩm. (Ảnh: Hiếu Quân) |
Việc chững lại của loại hình BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian qua được Chủ tịch VNREA đánh giá là do 4 nguyên nhân chính: (1) pháp lý cho các sản phẩm condotel vẫn chưa được tháo gỡ gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư; (2) ngân hàng siết chặt vốn nên dòng vốn đầu tư, đặc biệt là dòng vốn vay để đầu tư cho BĐS nghỉ dưỡng, cũng bị hạn chế; (3) năng lực phát triển, vận hành dự án BĐS nghỉ dưỡng còn hạn chế dẫn đến sự ngờ vực của các nhà đầu tư khi đầu tư lâu dài; (4) giá bán của sản phẩm nghỉ dưỡng hiện được đẩy lên khá cao.
Dù thời gian gần đây, phân khúc này chững lại nhưng ông Nguyễn Trần Nam vẫn ghi nhận BĐS nghỉ dưỡng là một điểm sáng của thị trường địa ốc năm 2018. Đặc biệt, ông nhắc đến sự phát triển của loại hình BĐS này ở ba địa phương dự kiến trở thành các đặc khu kinh tế.
“Vừa qua, condotel phát triển mạnh, tiếc là sau khi có dư luận nên việc thông qua đặc khu bị hoãn lại. Tuy nhiên, gần đây tôi lại thấy loạt dự án ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) đã tiếp tục khởi công, nhưng không rầm rộ như trước. Sắp tới, một dự án nghỉ dưỡng lớn của FLC ở Hạ Long cũng sẽ khánh thành…”, ông Nam thông tin.
Động lực lớn nhất cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng là lượng khách quốc tế đến Việt Nam không ngừng tăng qua những năm gần đây. Cụ thể, 4 năm liền trở lại đây, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đều tăng trưởng ở mức 30%/năm. Theo Quy hoạch Du lịch (đề ra năm 2013), nước ta đã vượt mức mục tiêu đặt ra về lượng khách du lịch đến năm 2025.
Từ thực tế đó, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam cho rằng: “Chúng ta vẫn đang thiếu hàng chục nghìn phòng khách sạn, nhà nghỉ. Nhiều người nhìn thấy các dự án khách sạn khởi công thì lo ngại thừa cung nhưng số liệu của chúng tôi cho thấy nguồn cung hiện tại vẫn chưa đủ. So với nhiều nước, các bãi biển của Việt Nam rất đẹp, khí hậu thuận lợi, đầy tiềm năng phát triển du lịch và BĐS du lịch nghỉ dưỡng”.
Ngoài ra, vị này cho biết, đã có tín hiệu tích cực khi chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành liên quan (Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch…) khẩn trương xây dựng ban hành theo thẩm quyền các văn bản về quy chuẩn tiêu chuẩn, quy chế quản lý vận hành, quy định chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu…
Như vậy, loại hình BĐS nghỉ dưỡng dã chính thức được thừa nhận và bước đầu được thể chế hóa. Khi đó đây chính là mảnh đất cho các doanh nghiệp BĐS nước ngoài đặt chân vào, ông Nam dự báo.