|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người Việt dành nhiều thời gian nhất mỗi ngày cho ứng dụng nào?

13:38 | 08/08/2022
Chia sẻ
Tại một số quốc gia trên thế giới, người dùng vẫn giữ thói quen dành nhiều tiếng mỗi ngày cho việc sử dụng các ứng dụng di động, dù giai đoạn bùng nổ của thói quen này đã trôi qua.

Mặc dù giai đoạn bùng nổ với các ứng dụng di động trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đã qua, nhưng thói quen sử dụng thiết bị di động của người tiêu dùng vẫn đang tăng lên. Theo dữ liệu mới được công bố bởi công ty theo dõi ứng dụng data.ai, người tiêu dùng tại hơn 10 thị trường trên toàn thế giới hiện đang dành 4-5 tiếng mỗi ngày cho việc sử dụng các ứng dụng, theo Techcrunch.

Mặc dù thời gian sử dụng trung bình các ứng dụng di động có sự khác nhau theo từng quốc gia, nhưng hiện có 13 quốc gia nơi người dùng dành hơn 4 tiếng mỗi ngày để sử dụng các ứng dụng di động.

Những thị trường này bao gồm Indonesia, Singapore, Brazil, Mexico, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Anh. Tại ba trong số các thị trường đó, gồm Indonesia, Singapore và Brazil, người dùng thậm chí còn dành hơn 5 tiếng mỗi ngày cho việc sử dụng các ứng dụng di động.

Thời gian sử dụng trung bình các ứng dụng di động tại một số quốc gia. (Nguồn: Data.ai).

Mặc dù tốc độ tăng trưởng về thời gian sử dụng ứng dụng đã chậm lại một chút so với quý thứ II/2020, nhưng điều đáng nói là hai năm trước đây chính là mùa cao điểm của đại dịch COVID-19, khiến thời gian sử dụng ứng dụng di động tăng đột biến trên tất cả danh mục khi người dùng làm việc, từ mua sắm, ngân hàng và game, cũng như các ứng dụng học tập và tham dự các cuộc họp trực tuyến,…

Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy đại dịch có thể đã dẫn đến những tác động lâu dài hơn trong thói quen sử dụng ứng dụng di động. Dường như người dùng vẫn đang giữ thói quen sử dụng các ứng dụng di động như những ngày tháng cao điểm của đại dịch, bất chấp cái gọi là “bình thường mới” vào năm 2022.

Theo báo cáo từ data.ai, một số thị trường đã chứng kiến ​​mức tăng đáng kể trong việc sử dụng ứng dụng trong hai năm qua. Trong quý II/2020, người dùng Singapore đã dành trung bình 4,1 giờ mỗi ngày cho các ứng dụng, nhưng hiện con số đã tăng lên 5,7 giờ mỗi ngày. Tại Australia, thời gian trung bình mà một người sử dụng các ứng dụng đã tăng từ 3,6 giờ/ngày trong quý II/2020 lên 4,9 giờ/ngày vào quý II/2022. Cả hai quốc gia này đều ghi nhận mức tăng 40% về thời gian sử dụng trung bình các ứng dụng di động trong giai đoạn quý II/2020 – quý II/2022.

Các thị trường khác chứng kiến mức tăng chậm hơn, bao gồm Indonesia (+ 10%), Ấn Độ (+ 5%), Nhật Bản (+ 5%), Canada (+ 20%), Nga (+ 10%), Mỹ (+ 5%), Anh (+ 5%), Trung Quốc (+ 5%) và Đức (+ 10%). Một số thị trường không có tăng trưởng hoặc có thời gian giảm xuống, chẳng hạn như Mexico (0%), Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina (cả hai đều ở mức -5%).

Báo cáo của công ty cũng bao gồm các ứng dụng và trò chơi được sử dụng nhiều nhất trong quý II, trong đó Instagram đứng đầu hạng mục ứng dụng được tải xuống nhiều nhất quý II còn TikTok ở vị trí số một trong mức độ chi tiêu của người dùng (không tính các ứng dụng trò chơi). Trong khi đó, Facebook vẫn giữ vị trí số một về lượng người dùng trung bình theo tháng, đứng trước WhatsApp, Instagram, Messenger, TikTok, Telegram, Amazon, Twitter, Spotify và Netflix.

Top những ứng dụng được dùng nhiều nhất trong quý II. (Nguồn: Data.ai).

Những tên tuổi mới đáng chú ý trong quý II bao gồm ứng dụng thương mại điện tử Ấn Độ Meesho, đã leo lên vị trí thứ 8 về số lượt tải xuống; trò chơi loại trực tiếp nhiều người chơi Stumble Guys, tăng 23 bậc; và trò chơi Fill The Fridge, đã tăng 84 bậc.

Việt Nam, dù không nằm trong top những quốc gia có thời lượng sử dụng ứng dụng di động lớn nhất, theo dữ liệu của data.ai, song với dân số gần 100 triệu người, trong đó có khoảng 70,3% là người dùng internet (theo số liệu từ Vnetwork tính đến tháng 1/2021), số lượng người dùng các ứng dụng di động hàng ngày tại Việt Nam cũng là rất lớn.

Lượng dân số và người dùng internet tại Việt Nam tính đến tháng 1/2021. (Nguồn: Vnetwork).

Theo báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Zalo chính là ứng dụng được sử dụng thường xuyên nhất tại Việt Nam với lượng người dùng hàng tháng đạt 74,7 triệu lượt vào tháng 2, xếp trên Messenger với 67,8 triệu lượt.

Bên cạnh đó, tổng lượng dữ liệu trung bình của mỗi người dùng Việt Nam tạo ra, trao đổi hàng tháng với nhau trên Zalo và Mocha (của Viettel) xấp xỉ 591 MB, chiếm 58,84% toàn thị trường, nhiều hơn 1,43 lần so với tổng lượng dữ liệu trao đổi trên Top 3 nền tảng nước ngoài phổ biến ở Việt Nam (Messenger, Viber và Telegram là 413,3 MB, chiếm 41,16%).

Doanh Chính

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.