|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người tiêu dùng ngày càng hạn chế 'lên đời' smartphone

07:41 | 23/08/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ở trong trạng thái bất ổn, người dùng ngày nay đang cố gắng thắt chặt chi tiêu, dẫn đến nhu cầu sắm smartphone mới ngày càng giảm.

Thị trường smartphone toàn cầu đang “tạm nghỉ”. Theo những người đứng đầu trong ngành, với việc áp lực từ lạm phát khiến chi phí cho các sản phẩm thiết yếu hàng ngày như xăng dầu, thực phẩm,… ngày càng tăng, nhiều người tiêu dùng sẽ cố gắng hạn chế đổi điện thoại thay vì thói quen lên đời điện thoại thường xuyên như trước, theo Wall Street Journal.

Các công ty sản xuất smartphone hàng đầu thế giới cũng đang cắt giảm sản lượng sản xuất, đồng thời cũng lên kế hoạch cho một kịch bản “đen tối”, nơi mà thị trường smartphone thậm chí còn hoạt động khó khăn so với thời điểm hiện tại.

Xiaomi, nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới của Trung Quốc, vừa qua đã đưa ra thông báo rằng lượng smartphone bán được trong quý II giảm 26% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo đó là doanh thu cũng giảm 28% xuống còn 6,2 tỷ USD. Theo Xiaomi, việc người tiêu dùng Trung Quốc thay đổi thói quen mua sắm, thắt chặt chi tiêu cho đồ công nghệ là một phần nguyên nhân khiến công ty ghi nhận những kết quả không tốt trong quý II.

Người tiêu dùng đang hạn chế "lên đời" smartphone. (Ảnh: WSJ).

Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, tính trong quý II, số lượng smartphone bán ra trên toàn cầu đã giảm khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn khoảng 286 triệu đơn vị. Trong đó, Trung Quốc là thị trường chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất. Ngoài ra, Mỹ và các khu vực khác cũng đều chứng kiến sự lao dốc trong quý II.

“Chi phí sinh hoạt hiện tại đã thay đổi, đặc biệt là khi lạm phát ở mức 8%”, theo Sean Lullee, một chuyên gia kinh tế ở Washington, Mỹ. Đặc biệt, Sean Lullee là một người đang sử dụng dòng điện thoại iPhone X, mẫu điện thoại đã được ra mắt từ lâu của Apple, nhưng khẳng định chưa có nhu cầu đổi smartphone.

Một trường hợp tương tự là Feng Xiao, một nhà tổ chức sự kiện thể thao 37 tuổi tại Thượng Hải, Trung Quốc. “Chiếc iPhone 12 mà tôi đang sử dụng vẫn đang hoạt động tốt. Do đó, tôi chưa có nhu cầu phải mua máy mới, kể cả khi Apple sắp ra mắt iPhone 14”, bà chia sẻ khi được hỏi liệu có mua máy mới hay không.

Thị trường hiện tại có sự khác biệt to lớn so với hai năm đại dịch COVID-19 vừa qua. Thời điểm đó, nhu cầu mua sắm smartphone là rất lớn khi mọi người dành hầu hết thời gian ở nhà bên cạnh những thiết bị công nghệ như smartphone hay laptop. Tuy nhiên, sự gián đoạn chuỗi cung ứng lại khiến các nhà sản xuất không thể đáp ứng được nhu cầu tăng cao. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, nhu cầu của người tiêu dùng đã sụt giảm đáng kể, tạo ra một cuộc “khủng hoảng mới”.

Tuy nhiên, có sự đứt đoạn giữa các doanh nghiệp. Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, doanh số của các dòng smartphone có giá từ 900 USD trở lên trong nửa đầu năm nay vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là các sản phẩm của hai ông lớn Apple và Samsung. Điều này chỉ ra người dùng hiện tại vẫn ưa chuộng các sản phẩm cấp cao.

Wall Street Journal dẫn dữ liệu từ Counterpoint Research chỉ ra rằng trung bình cứ 10 smartphone được bán ra trên thị trường thì chỉ có một chiếc thuộc vào dòng cao cấp, nhưng phân khúc này lại chiếm tới 70% lợi nhuận cả ngành smartphone toàn cầu.

Những khách hàng thuộc tầng lớp giàu có thường không quan tâm quá nhiều tới giá cả hay chi phí sinh hoạt trong thời kỳ lạm phát, họ vẫn muốn những chiếc smartphone của mình phải là những mẫu điện thoại mới và thời thượng nhất, theo chuyên gia Runar Bjohovde của công ty nghiên cứu dữ liệu Canalys.

Gã khổng lồ công nghệ xứ Hàn là Samsung đã cho ra mắt các những smartphone cao cấp và các dòng máy tầm trung để phục vụ đa dạng khách hàng. Trong khi đó, gã khổng lồ Apple chủ yếu cung cấp các sản phẩm smartphone thuộc dòng cao cấp.

Dù vậy, vẫn có những khó khăn nhất định. Theo Foxconn, nhà lắp ráp iPhone lớn nhất cho gã khổng lồ Apple, nhu cầu smartphone đang lao dốc. Qualcomm, đơn vị cung cấp chip cho Apple và một số hãng khác, cũng đưa ra nhận định tương tự. Thói quen mua sắm của người tiêu dùng sẽ khó thay đổi trong ngắn hạn, do đó các nhà sản xuất smartphone có thể sẽ còn gặp khó trong thời gian tới.

Trung Quốc, thị trường chiếm khoảng 1/4 doanh số smartphone toàn cầu, hiện tại cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề. Apple mới đây đã bất ngờ tăng giá một số dòng iPhone tại Trung Quốc, điều hiếm khi xảy ra. Trong khi đó, Chủ tịch Xiaomi Wang Xiang cũng nhận định rằng nhu cầu trên thị trường đang suy giảm và công ty đang tìm mọi cách để cải thiện tình hình.

Các nhà phân tích nhận định rằng tình hình có thể được cải thiện trong nửa cuối năm nay hoặc đầu năm sau, nhưng mọi thứ có thể quay ngược 180 độ nếu xảy ra những sự kiện đặc biệt, chẳng hạn như căng thẳng mối quan hệ Mỹ - Trung hay xung đột địa chính trị Nga – Ukraine.

Doanh Chính