|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Người nghèo ở Đông Âu ‘đốt bất cứ thứ gì’ để sưởi ấm

15:52 | 24/10/2022
Chia sẻ
Tại Hungary và trên khắp khu vực Đông Âu, những người nghèo phải đốt cả rác thải để sưởi ấm, bởi họ không có tiền để trả cho điện và khí đốt.

 

 Một người đàn ông đốn cây để lấy củi đốt. (Ảnh: FT). 

Zoltán Berki, một người đàn ông Hungary ở độ tuổi 50, nhét vài cành cây vào bếp lò trong nhà, sau đó bỏ thêm một hai khúc củi, rồi cho nốt một chiếc giầy bóng đá vào. Ông giải thích: “Giày cháy được, mà chúng tôi cần sưởi ấm”.

Nhiệt độ tại thành phố Ózd đã xuống đến 0 độ C. Ngoài ông Berki, những cư dân khác cũng phải đốt lò bằng các nhiên liệu gây ô nhiễm như than nâu, gỗ hoặc các vật dụng bất hợp pháp như rác để giữ ấm.

Sống sót qua mùa đông đã trở thành ưu tiên hàng đầu đối với hàng triệu người sống ở miền đông châu Âu và hiện không thể trả nổi tiền điện hay khí đốt đắt đỏ.

Trên toàn khu vực, do các hộ gia đình đẩy mạnh tích trữ mà giá củi đã tăng gấp đôi so với năm ngoái, tờ Financial Times cho biết. Các nhà phân tích dự kiến tỷ lệ nghèo năng lượng sẽ tăng đáng kể ở những nước như Hungary, Slovakia và Bulgaria.

Ông David Nemeth, nhà kinh tế Hungary tại ngân hàng Bỉ KBC Group, cho biết: “Nếu giá các mặt hàng cơ bản - chủ yếu là năng lượng và lương thực - gia tăng, nhiều người sẽ bị đẩy vào cảnh nghèo khổ, còn những người nghèo khổ sẽ rơi vào cảnh nghèo cùng cực”.

Ông Zoltán Berki đốt củi để sưởi ấm ngôi nhà ở thành phố Ózd, miền bắc Hungary. (Ảnh: FT). 

Việc người dân ngày càng sử dụng nhiều nhiên liệu độc hại còn có nguy cơ làm tăng đáng kể lượng khí thải trên toàn khu vực. Ông Zsuzsanna F. Nagy, Giám đốc Hiệp hội Kết nối Xanh ở Hungary cảnh báo: “Nhiều năm phát triển xanh sắp đổ bể. Mọi người sẽ đốt bất cứ thứ gì nếu họ buộc phải tìm cách sinh tồn”.

Do không tìm được việc ở Ózd, ông Berki phải làm việc tại một địa điểm khảo cổ ở Budapest cách nhà 150 km. Nhưng mức lương 500 euro/tháng của ông không đủ để mua củi. Một số cửa hàng giờ bán một mét khối củi với giá hơn 200 euro. Số củi này đủ để sưởi ấm một căn nhà nhỏ trong một tháng.

Thủ tướng Viktor Orbán của Hungary đã nới lỏng các quy định đốn gỗ và ra lệnh khai thác nhiều than nâu hơn, dù đây là một trong những nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất.

Tháng trước, ông Orbán nói rằng than nâu và củi là một phần của “hệ thống mà chúng ta dùng để bảo vệ gia đình mình” khỏi khủng hoảng năng lượng.

Than nâu đang một lần nữa được sử dụng để cấp nhiên liệu cho nhà máy năng lượng Mátrai cũ kỹ cách Ózd 75 km và cả lò sưởi của các gia đình.

Nhóm bảo vệ môi trường Clean Air Action Group cho biết: “Xét theo tương quan dân số, số người chết vì ô nhiễm không khí tại Hungary gấp đôi ở Pháp hoặc Hà Lan. Nhưng số trường hợp tử vong chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi số người ốm lớn gấp hàng trăm lần”.

 

Ba Lan đã loại bỏ các tiêu chuẩn chất lượng đối với than để giảm nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. Động thái này diễn ra sau khi chính phủ tuân theo lệnh cấm của EU đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nga. Tháng trước, Phó thủ tướng Jarosław Kaczyński khuyên người Ba Lan “đốt tất cả mọi thứ trừ lốp xe” để giữ ấm.

Ba Lan đang trợ cấp cho việc mua than. Các chính phủ khác trong khu vực cũng đang tung ra những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp nhưng hầu hết đều không bì được với quy mô của các nước Tây Âu.

Bà Dana Marekova, nhà hoạt động môi trường ở Slovakia nói: “Các kế hoạch hỗ trợ không giúp cải thiện tình cảnh của người nghèo”.

Năm ngoái, 1/5 các hộ gia đình ở Slovakia được xếp vào nhóm nghèo năng lượng. Bà cho biết những người nghèo nhất lãng phí rất ít năng lượng, do đó họ sẽ không được hưởng lợi từ quy định mới của chính phủ. Theo FT, Slovakia đang trợ cấp cho các hộ gia đình có thể giảm mức tiêu dùng năng lượng khoảng 15%.

Ông Peter Hritz, Thị trưởng thị trấn Nová Lesná, nói người Slovakia đã nhặt nhiều củi từ chân núi Tatra giáp với Ba Lan đến nỗi thị trấn của ông đã "quay ngược về 50 năm trước". Ông nói: “Đột nhiên mọi người không còn bận tâm đến khói và bụi nữa”.

Than nâu lại được dùng để vận hành nhà máy năng lượng Mátrai ở Hungary. (Ảnh: FT). 

Cuộc khủng hoảng sẽ đặc biệt nghiêm trọng tại những nước như Bulgaria, nơi mà 2/3 nhà dân tại vùng nông thôn đốt củi. Trước cả khi chiến sự Nga-Ukraine bắt đầu, 60% người có thu nhập thấp tại Bulgaria không được sưởi ấm trọn vẹn trong mùa đông, theo Eurostat.

Tại Kosovo, một trong những vùng đất nghèo nhất châu Âu, củi vẫn được đốt tại gần như mọi ngôi nhà ở vùng nông thôn và hầu hết các hộ gia đình ở thành thị.

Bà Egzona Shala, Giám đốc tổ chức bảo vệ môi trường Ecoz cho biết lượng củi sử dụng trong năm nay có thể tăng gấp đôi, một phần bởi hệ thống điện kém hiệu quả và thường xuyên để xảy ra các vụ mất điện. 

Thành phố Ózd ngập trong khói bụi. (Ảnh: FT). 

Những người có đủ điều kiện để mua những thiết bị sưởi ấm hiệu quả hơn cũng không thể kiếm được hàng. Gần đây hiệp hội các nhà sản xuất lò sưởi của Hungary đã yêu cầu khách hàng ngừng gọi điện cho các nhà cung cấp trên Facebook.

Tại Ózd, ông Berki chỉ đốt chất thải độc hại vào buổi đêm để cảnh sát đi tuần không thể phát hiện khói đen. Nhiều gia đình khác cũng đốt chất thải dưới sự che đậy của bóng tối. Khói khét bao trùm các nhà thờ quanh đó. Nhưng tại khu ổ chuột gần Miskolc, cách Ózd một đoạn lái xe ngắn, 5.000 cư dân sống ở đây phải đối mặt với khoảng thời gian còn khắc nghiệt hơn.

Ông Gáspár Sipeki nói với tờ Financial Times: “Tôi có một mét khối củi, có thể đủ dùng trong một tháng”. Ở chung trong lán với con trai, Sipeki đốt củi một cách tiết kiệm. Khi hết, ông có thể mua thêm củi một cách bất hợp pháp trong thung lũng Ózd.

Ông nói: “Tôi biết làm gì nữa? Tôi kiếm được 150 euro mỗi tháng, tôi không thể bỏ 100 euro mua củi”. 

Giang