|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Người đang ho, sốt, khó thở không được tiêm vắc xin COVID-19

15:04 | 06/03/2021
Chia sẻ
Nhân viên y tế tại 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ được ưu tiên tiêm chủng. Tuy nhiên, người đang ho, sốt, khó thở không được tiêm.

21 bệnh viện tiêm vắc xin COVID-19 đợt đầu, tuyệt đối không đưa người quen vào danh sách

Theo báo Sức khoẻ và Đời sống, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, tại hội nghị tập huấn cho hay, y bác sĩ và cán bộ tại 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ tiêm vắc xin COVID-19 trong đợt đầu; đồng thời đề nghị các bệnh viện này lên danh sách cụ thể những người được tiêm.

"Tuyệt đối không đưa người nhà, người thân, người quen vào danh sách này, chỉ có các thầy thuốc, nhân viên y tế làm việc trực tiếp.", PGS. TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Người đang ho, sốt, khó thở không được tiêm vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (Ảnh: Báo Sức khoẻ và Đời sống).

Ông Khuê cũng chia sẻ thông tin các chuyên gia ở Tiểu ban Điều trị, cán bộ Cục Quản lý Khám chữa bệnh của Bộ Y tế sẵn sàng xin không tiêm vắc xin trong đợt đầu, dành ưu tiên cho các y bác sĩ, nhân viên y tế tại các cơ sở trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19.

Người sốt, ho, khó thở chủ động không đến tiêm chủng

Báo Gia đình và Xã hội đưa tin, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm đủ hai liều vắc xin của AstraZeneca và nên tiêm cùng một loại vắc xin trong các mũi. Nếu tiêm vắc xin khác ngoài AstraZeneca thì cũng phải cách ít nhất 14 ngày.

Các cơ sở tiêm chủng tổ chức dưới 100 đối tượng tiêm chủng/điểm/buổi để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, các cơ sở cần thông báo cho những người thuộc đối tượng tiêm chủng về vấn đề người sốt, ho, khó thở chủ động không đến tiêm chủng.

PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cũng đưa ra lưu ý, trước khi tiêm, cán bộ tiêm chủng phải trao đổi hỏi rõ tiền sử bệnh tật xem người tiêm có mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, mãn tính phải điều trị, điều trị hoá trị, miễn dịch, có tiền sử dị ứng hay sốc phản vệ. Đối với mũi tiêm thứ 2, phải hỏi người được tiêm có biểu hiện phản ứng trầm trọng của làn trước đó không để tạm hoãn tiêm hoặc hướng dẫn cụ thể.

Bà Hồng cho hay, với các trường hợp nhiễm và khỏi COVID-19 thì phải sau 6 tháng mới được tiêm vắc xin. Những trường hợp này, cơ thể đã có một ít kháng thể ở trong người để phòng bệnh.

Trong bối cảnh hiện nay và theo chỉ dẫn của nhà sản xuất, vắc xin sẽ được ưu tiên tiêm cho các đối tượng chưa phơi nhiễm COVID-19. Những trường hợp không được tiêm là những chống chỉ định của vắc xin, cụ thể là những người dị ứng với thành phần của vắc xin, có phản ứng nặng trầm trọng với mũi tiêm trước, những người được cán bộ y tế xác định chưa đủ điều kiện tiêm chủng như mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, đang điều trị các miễn dịch, hóa trị... sẽ phải tạm hoãn tiêm chủng.

Như Ý (tổng hợp)