Việt Nam sẽ phân phối vắc xin COVID-19 toàn quốc như thế nào?
Theo hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, Ban quản lý dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương được giao xây dựng kế hoạch, tài liệu tập huấn về vắc xin COVID-19, theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng, hoàn thành trước khi triển khai tổ chức tiêm chủng 10 ngày.
Ban quản lý dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng tập huấn cho các Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hướng dẫn kế hoạch tiêm chủng cho các địa phương.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh tổng hợp danh sách đơn vị tiêm chủng, số lượng người tiêm, báo về Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để được cung ứng vắc xin; thời gian tổng hợp từ 7 đến 10/3.
Cơ sở tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng sẽ giám sát sự cố bất lợi sau tiêm; theo dõi phản ứng thông thường và tai biến nặng sau tiêm cũng như trong quá trình sử dụng vắc xin.
Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin sẽ được thành lập từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh.
Các bệnh viện trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện tiêm cho cán bộ y tế cơ sở; nhân viên tham gia phòng chống dịch; người đang điêu trị tại bệnh viện; những trường hợp khác theo quy định. Những đơn vị này chủ động tổ chức các đội cấp cứu tại chỗ và hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng khác. Với những xã có điều kiện đi lại khó khăn, cần ít nhất một đội cấp cứu lưu động tại các cụm 3 đến 4 xã. Bệnh viện cấp tỉnh trong thời gian tiêm vắc xin phải dự phòng tối thiểu 5 giường bệnh hồi sức tích cực để sẵn sàng xử lý trường hợp tai biến nặng sau tiêm.
Trạm y tế xã sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 tại chỗ và điểm lưu động cho nhân viên y tế, người tham gia chống dịch, bộ đội, công an, giáo viên, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người già trên 65 tuổi, mắc bệnh mãn tính. Khi đã tiêm hết những trường hợp nêu trên, trạm y tế sẽ tiêm cho những người khác.
Các bệnh viện, cơ sở y tế thuộc các bộ ngành, cần có kế hoạch tiêm cho những người trong ngành; hỗ trợ lực lượng y tế tiêm cho những người khác.
Ngày 6/3, Bộ Y tế sẽ tập huấn với tất cả đơn vị tiêm chủng trên toàn quốc về tiếp nhận, sử dụng, xử lý tai biến sau tiêm.
Ngày 8/3, các đơn vị bắt đầu tiêm tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân COVID-19, vùng có dịch, trường hợp được ưu tiên theo quy định của Chính phủ. Những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vắc xin.
Trong năm 2021 và 2022, 150 triệu liều vắc xin COVID-19 sẽ về Việt Nam, chia thành 7 đợt, được cung ứng từ AstraZeneca, Covax và nguồn sản xuất trong nước. Ngày 24/2, lô đầu tiên với 117.600 liều đã về đến Việt Nam.
Tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 5/3, Bộ trưởng Y tế cho biết dự kiến ngày 8/3, những liều vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Thủ tướng.