Nghị sĩ rời Đảng Cộng hòa vì không chịu đựng nổi ông Trump
Ông Mitchell giải thích quyết định rời khỏi đảng sau nhiều năm cống hiến trong lá thư do CNN đăng tải, gửi tới Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa và Lãnh đạo thiểu số tại Hạ viện. Ông Mitchell bày tỏ niềm tin rằng các chính trị gia, bao gồm tổng thống phải sẵn lòng chấp nhận kết cục bầu cử dù họ thắng hay thua.
"Không thể chấp nhận được các ứng viên chính trị đối xử với hệ thống bầu cử của nước Mỹ như thể chúng ta là một quốc gia thế giới thứ ba và gieo rắc nghi ngờ về điều căn bản như tính bất khả xâm phạm của phiếu bầu".
"Thêm nữa, thật không thể chấp nhận được khi tổng thống Mỹ công kích Tòa án Tối cao vì các thẩm phán không về phe ông ta hay nói rằng tòa đã 'khiến tôi thất vọng'. Mục tiêu của các nhà lập quốc là cách li Tòa án Tối cao khỏi những động cơ chính trị trắng trợn như vậy".
Ông Mitchell dường như đồng ý với quan điểm của nhiều thành viên Đảng Cộng hòa rằng có những vấn đề xung quanh cuộc bầu cử, cho rằng có thể có "lỗi hành chính và thậm chí là một số gian lận" do số lượng cử tri đi bỏ phiếu quá lớn.
"Tuy nhiên, tổng thống và đội ngũ pháp lí đã không đưa ra được bằng chứng đáng kể về gian lận hoặc sai sót hành chính trên qui mô đủ lớn để ảnh hưởng đến kết quả bầu cử".
Ông cảnh báo rằng việc ông Trump từ chối nhượng bộ và nhiều thành viên Đảng Cộng hòa về phe với ông hòng lật ngược kết quả bầu cử có thể gây ra "tổn hại lâu dài cho nền dân chủ của chúng ta".
"Nếu các lãnh đạo Đảng Cộng hòa im lặng và chịu đựng những thuyết âm mưu vô căn cứ và các cuộc biểu tình 'ngăn cuộc bầu cử bị đánh cắp' mà không lên tiếng bảo vệ qui trình bầu cử của chúng ta thì nước Mỹ ta sẽ bị tổn hại".
Ông Mitchell khẳng định đã bỏ phiếu thuận với chính sách của chính quyền Trump trong 95% thời gian ngồi ở Quốc hội. Ông cũng bầu cho ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay "dù có một số nghi ngại về 4 năm nữa dưới sự lãnh đạo của ông ấy".
Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Denver Riggleman nói với Forbes: "Tôi hiểu vì sao Mitchell lại làm vậy. Tôi đoán rằng sẽ có thêm nhiều người nữa rời Đảng Cộng hòa nếu chúng ta tiếp tục chọn ảo tưởng thay vì thực tế".
"Ai quan tâm nếu Mitchell không ở trong đảng nữa chứ. Mitchell là người tốt, một người đàn ông tuyệt vời. Tôi ủng hộ ông ấy 100%".
Hạ nghị sĩ Justin Amash, người rời khỏi Đảng Cộng hòa năm ngoái sau khi công khai ủng hộ luận tội Tổng thống Trump đã đăng tweet cảm ơn ông Mitchell cũng đã ra quyết định giống mình, Axios đưa tin.
Nội bộ lục đục
Cho tới nay, mới chỉ có 23 trên tổng số 249 thành viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ công nhận chiến thắng của ông Biden, Forbes cho biết.
Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa có vẻ cũng đã phát chán với các tranh chấp xung quay cuộc bầu cử và tìm cách chấm dứt cãi vã. Các lãnh đạo đảng muốn ngăn cản một cuộc tranh luận lộn xộn khi Quốc hội gặp mặt vào ngày 6/1 để đếm phiếu bầu cử tri đoàn.
Tuy các lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã hạ thấp khả năng phản đối phiếu bầu đại cử tri nhưng một số hạ nghị sĩ dẫn đầu bởi ông Mo Brooks vẫn quyết tâm theo đuổi phương án này. Chỉ cần thêm một thượng nghị sĩ nữa đồng tình với ông Brooks là Hạ viện và Thượng viện sẽ phải họp riêng để thảo luận. Tuần trước, ông Brooks đã gặp gỡ vài thượng nghị sĩ để thuyết phục họ, The Hill cho biết.
Khi được hỏi về kịch bản các đồng minh trong Đảng Cộng hòa phản đối kết quả bỏ phiếu cử tri đoàn, Phó lãnh đạo phe đa số Thượng viện John Thune trả lời: "Việc đó sẽ chẳng đi đến đâu cả".
"Cuộc họp 6/1 là cơ hội để vài người xả giận và phản đối, nhưng rốt cuộc nước Mỹ cũng đã có con đường để quyết định tổng thống của mình". Ông Thune nói thêm rằng đã đến lúc Đảng Cộng hòa của ông chấp nhận kết quả bầu cử.
Thượng nghị sĩ John Cornyn, cố vấn cho lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện nói rằng các nhà lập pháp sẽ "mắc sai lầm tệ hại" nếu phản đối phiếu bầu đại cử tri và dự doán nỗ lực này sẽ là "vô ích".