Nghị sĩ Đảng Cộng hòa kiện Phó Tổng thống Pence để giúp ông Trump thắng cử
Theo CNBC, đơn kiện Phó Tổng thống Pence được gửi lên tòa án vào ngày 27/12 bởi ông Gohmert, nghị sĩ của Texas cùng với 14 cư dân Arizona được Đảng Cộng hòa của bang này đề cử làm đại cử tri.
Hơn một tuần nữa, ông Pence sẽ chủ trì phiên họp chung của Quốc hội để kiểm phiếu bầu của đại cử tri cho ông Trump và Biden. Cuộc bỏ phiếu cử tri đoàn đã diễn ra từ hai tuần trước. Ông Biden giành được 306 phiếu, trong khi đó ông Trump nhận được 232 phiếu.
Đơn kiện của ông Gohmert yêu cầu Thẩm phán Jeremy Kernodle tuyên bố ông Pence có "thẩm quyền độc nhất và toàn quyền định đoạt" để quyết định rằng số phiếu đại cử tri nào của một bang nên được tính. Thẩm phán Kernodle là người được ông Trump bổ nhiệm ở miền đông Texas.
Tại một số bang chiến địa, Đảng Cộng hòa đã cử ra "nhóm đại cử tri thay thế" để bỏ phiếu cho ông Trump. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết lá phiếu của họ không có ý nghĩa pháp lý.
Đơn khiếu nại của Đảng Cộng hòa cho rằng một phần của Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887 nên bị tuyên bố là vi hiến vì nó mâu thuẫn với Tu chính án thứ 12.
Đơn kiện viết rằng Tu chính án thứ 12 chứa "các cơ chế giải quyết tranh cãi độc nhất" về bầu cử, bao gồm việc "Phó Tổng thống Pence quyết định phiếu bầu của nhóm đại cử tri nào trong một bang nên được tính hoặc loại bỏ".
Các học giả pháp lý nhận định vụ kiện của ông Gohmert là hoàn toàn vô vọng.
Chuyên gia pháp lý bầu cử Rick Hasen của Đại học California tweet về vụ kiện: "Vụ này sẽ không thành công đâu".
Ông Joshua Geltzer, Giám đốc của Viện Bảo vệ và Vận động Hiến pháp của Đại học Georgetown, có quan điểm tương tự: "Vụ kiện sẽ chẳng đi đến đâu".
"Điều này thật điên rồ", Giáo sư luật Anthony Michael Kreis của Đại học bang Georgia nhận xét.
Phát ngôn viên của văn phòng phó tổng thống chưa phản hồi yêu cầu bình luận của CNBC.
Đơn kiện cũng khẳng định rằng "các báo cáo công khai" đã "nêu bật gian lận bầu cử trên diện rộng" ở các bang chiến địa. Đơn kiện này trích dẫn tài liệu được viết bởi Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro, bao gồm nhiều cáo buộc bầu cử đã bị bác bỏ trong những vụ kiện khác hoặc bị lật tẩy bởi các công cụ xác minh tuyên bố chính trị.
Ông Trump quyết đấu tới cùng
Ông Trump vẫn từ chối chấp nhận thua cuộc. Ông tuyên bố mình là người chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng, đồng thời công khai gây sức ép lên các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa để "bước lên và chiến đấu cho chức Tổng thống".
Cùng lúc, ông Trump tiếp tục gieo rắc các cáo buộc gian lận phiếu bầu. Hôm 29/12, ông trích dẫn trên Twitter: "Tin mới nhất: Ở Pennsylvania có nhiều hơn 205.000 phiếu bầu nhiều so với số lượng cử tri. Chỉ riêng điều này cũng đủ lật lại chiến thắng tại bang này cho Tổng thống Trump".
Tuy nhiên ông Trump không tiết lộ nguồn gốc của tuyên bố trên. Nhiều cư dân mạng chế giễu ông là đăng tin giả và "tự trích dẫn trí tưởng tượng của chính mình".
Một số hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa dự định thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri khi Quốc hội họp vào ngày 6/1. Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell kêu gọi các thượng nghị sĩ cùng đảng không đưa ra phản đối tương tự.
Trên Twitter, ông Trump có vẻ như đang hứa hẹn về một điều bất ngờ: "Hẹn gặp lại các bạn tại Washington, DC, vào ngày 6/1. Đừng bỏ lỡ nó. Thông tin cần theo dõi!"
Chiến dịch Trump và một số đồng minh của tổng thống đã đâm hàng chục đơn kiện nhằm thách thức kết quả bầu cử ở nhiều bang. Tuy nhiên, không một nỗ lực pháp lý nào của phe Trump thành công trong việc vô hiệu hóa phiếu bầu dành cho ông Biden hoặc đảo ngược kết quả bầu cử tại một bang.
Đầu tháng 12, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ đơn Texas khởi kiện 4 bang chiến địa đã chứng nhận chiến thắng của ông Biden. Sau thất bại này, ông Trump nhiều lần chỉ trích các thẩm phán, gọi Tòa án Tối cao là "không đủ năng lực" và "yếu đuối".