Nghi ngờ các nghiên cứu thị trường là bí quyết làm nên các kì tích của Sony
Akio Morita và Masaru Ibuka thành lập Sony vào năm 1946. Lúc đầu, công ty chỉ là một xưởng sửa chữa máy thu thanh, nhưng đến thập niên 1950, họ bắt đầu sản xuất những sản phẩm với thương hiệu Sony.
Tinh thần đột phá
Thương hiệu Sony nhanh chóng trở nên nổi tiếng ở Nhật Bản với những sản phẩm mang tính đột phá như máy thu thanh bán dẫn đầu tiên vào năm 1958, máy thu hình bán dẫn đầu tiên vào năm 1960.
Từ những đột phá này, Sony phát triển ra khắp châu Á, châu Âu và Mỹ. Năm 1961, Sony trở thành công ty Nhật Bản đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Phố Wall, theo The Verge.
Suốt nhiều thập niên, Sony liên tục tung ra những sản phẩm đột phá. Vào năm 1971, họ chế tạo ra máy thu hình video màu đầu tiên trên thế giới. Vài năm sau, họ tiếp tục tung ra thị trường một sản phẩm đột phá mang tính cách mạng nữa: máy cassette bỏ túi - Walkman.
Sony từng là thương hiệu gắn liền với những đột phá. Ảnh: The Verge
Khi Walkman xuất hiện vào năm 1979, rất ít người trong ngành công nghiệp để ý đến loại máy nhỏ bé ấy một cách nghiêm túc. Họ cho rằng đó chỉ là một mánh lới quảng cáo của Sony và sản phẩm sẽ nhanh chóng biến mất trong một thời gian ngắn.
Nhưng họ đã lầm, Walkman đã trở thành sản phẩm điện tử phổ biến nhất trong lịch sử, và là tiền thân của những phiên bản hiện đại hơn như CD Walkman và MiniDiscman.
Ngoài ra, Sony cũng đã gặt hái được thành công tương tự trên nhiều linh vực khác của ngành công nghiệp với máy thu hình, đầu video, DVD, đầu âm thanh hi-fi và các trò chơi giải trí hấp dẫn (Sony Playstation).
Đương nhiên, để đạt danh tiếng là một nhà sáng tạo đột phá cũng có cái giá của nó. Sony đã phải một lần gánh lấy thất bại vì sự yểu mệnh của Betamax - một loại đầu video mà họ đã tốn nhiều công sức để chế tạo.
Dù sao Sony cũng đủ khôn ngoan để nhận ra rằng thiết bị chỉ mới là một vế trong nhận thức của người tiêu dùng. Ban lãnh đạo của hãng đã thấy một viễn cảnh rộng lớn hơn. Đây là doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử đầu tiên trên thế giới nhận ra tầm quan trọng của "cộng lực" - sự hỗ tương giữa thiết bị và nội dung.
Năm 1988, Sony mua lại hãng ghi âm danh tiếng CBS của Mỹ. Một năm sau, họ mua hãng phim vô danh Columbia Pictures. Sony Music Entertainment ngày nay là một trong những thế lực lớn nhất của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu và Sony Pictures Entertainment cũng nổi tiếng không kém với những xuất phẩm danh tiếng, như loạt phim "Những thiên thần của Charlie".
Những bài học thành công của Sony
Ngày nay Sony là một trong những thương hiệu mạnh mẽ nhất trên thế giới. Một trong những lí do giúp hãng thành công là chiến lược marketing. Sony có triết lý marketing hoàn toàn khác biệt với người phương Tây.
Máy nghe nhạc Walkman của Sony từng "làm mưa làm gió" khắp thế giới trong thập niên 80 của thế kỉ trước. Ảnh: The Verge
Là một nhà tiên phong thực sự, Sony luôn thận trọng với việc khảo sát thị trường. Walkman là một phát minh của chính Akio Morita. Sản phẩm này chắc chắn sẽ không ra đời nếu Sony hoàn toàn tin cậy vào những kết quả từ việc nghiên cứu thị trường.
"Tôi không tin vào xác suất thất bại được cảnh báo từ việc khảo sát thị trường. Công chúng không thể biết những gì có thể. Nhưng chúng tôi biết", Morita tuyên bố.
Sony là một thương hiệu đột phá và trong tương lai họ cũng vẫn sẽ tiếp tục làm như vậy với sự tập trung vào "tính liên kết" - sự hội ngộ của vi tính hóa và giải trí trong nhà.
Khi máy nghe nhạc Walkman lần đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản, công nhân của Sony tràn ra các đường phố ở Tokyo với một máy Walkman trên tay và cặp tai nghe trên đầu, tạo thành một làn sóng truyền miệng nhanh chóng.
Tương tự, khi Sony phát hành MiniDisc ở Anh, những tấm cạc quảng cáo sản phẩm xuất hiện khắp các quán bar và câu lạc bộ theo thời ở đó.