|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Là 'đại gia điện tử', nhưng Sony đang coi trọng Người Nhện hơn điện thoại, tivi hay máy ảnh

19:08 | 12/07/2019
Chia sẻ
Mảng giải trí đóng góp tới 70% lợi nhuận cho tập đoàn điện tử Sony trong khi vai trò của mảng điện tử truyền thống có xu hướng giảm dần.

Từ ngày 2/7, hàng trăm rạp phim trên toàn thế giới đồng loạt chiếu "Spider-Man: Far From Home". Siêu anh hùng có nguồn gốc tại thành phố New York gây nên cơn sốt toàn cầu, và đang quyết định vận mệnh của một doanh nghiệp Nhật Bản. Đó là Sony Pictures.

Là chi nhánh tại Mỹ của tập đoàn Sony, hiện nay Sony Pictures là một trong những bộ phận quan trọng nhất, đóng góp lớn vào lợi nhuận của tập đoàn. 

Lĩnh vực giải trí của Sony - bao gồm phim ảnh, game và âm nhạc - đang trở nên quan trọng hơn rất nhiều so với lĩnh vực công nghệ truyền thống của họ, theo nhận định của Nikkei.

Sony đã lấn rất sâu vào mảng giải trí

Sự nổi tiếng của Người Nhện không chỉ giúp Sony Pictures bán vé dễ dàng, mà còn giúp tập đoàn thúc đẩy các mảng kinh doanh khác, như trò chơi video.

SPIDER-MAN 1

Ngay trong tuần đầu tiên công chiếu, "Spider-Man: Far From Home" đã mang về 600 triệu USD cho Sony. Ảnh: Yahoo Movies

Doanh thu trong tuần đầu công chiếu trên toàn thế giới của "Spider-Man: Far From Home" đã đạt hơn 600 triệu USD, theo Yahoo Movies. Ở Nhật Bản, bộ phim đã vượt mốc 1 tỷ yên (khoảng 9,25 triệu USD), mức doanh thu thành công đối với phim chiếu rạp ở xứ sở hoa anh đào.

Máy nghe nhạc Walkman, sản phẩm nổi tiếng của Sony, bước sang tuổi 40 đúng vào thời điểm mà "Spider-Man: Far From Home" bắt đầu ra rạp. Từng nổi tiếng với các sản phẩm điện tử như tivi và trò chơi video, giờ đây Sony giống một doanh nghiệp giải trí hơn.

Game, âm nhạc và phim từng chỉ đóng góp chưa tới 30% doanh thu trong năm tài chính 2009, giờ đây chiếm gần một nửa doanh thu và 70% lợi nhuận của cả tập đoàn trong năm 2018.

"Spider-Man" là một trong những bộ phim mang lại lợi nhuận lớn nhất. 6 phần của "Spider-Man" - ra rạp từ năm 2002 tới năm 2017 - mang về trung bình hơn 300 triệu USD mỗi phim cao gấp hơn 6 lần so với mức doanh thu trung bình của mọi phim mà Sony từng sản xuất, theo dữ liệu từ trang Box Office Mojo.

Năm ngoái, Sony thu về 375 triệu USD nhờ bộ phim hoạt hình "Spider-Man: Into the Spider-Verse", kèm theo giải Oscar cho phim hoạt hình xuất sắc nhất. 

Kì vọng lợi nhuận cao đối với "Spider-Man: Far From Home" là lí do khiến Sony dự đoán mức lợi nhuận tăng 20% đối với mảng điện ảnh trong năm tài chính 2019.

Giải trí thúc đẩy các mảng điện tử của Sony

Hệ máy chơi game cũng hưởng lợi từ Người Nhện. Sony đã bán 9 triệu bản trò chơi Spider-Man trên máy PlayStation 4 hồi cuối năm 2018 chỉ sau khoảng 3 tháng. 

Để so sánh, chúng ta chỉ cần biết rằng một năm trước, trò chơi thành công nhất là Super Smash Bros. Ultimate chỉ bán 2,99 triệu bản, theo tạp chí Famitsu. Sony có thể tiếp tục khai thác thành công này với phim hoạt hình và các sản phẩm thương mại khác.

Hiện tại Sony vẫn chưa từ bỏ mảng điện tử. Cảm biến ảnh vẫn là dòng sản phẩm "gà đẻ trứng vàng" cho hãng, và Sony cũng đã lập quỹ để đầu tư vào những startup công nghệ thông tin.

Trailer của phim "Spider-Man: Far From Home". Ảnh: YouTube

Song, khả năng Sony có thể tiếp tục phát triển mảng giải trí phụ thuộc vào việc khai thác những phim như "Spider-Man" ở các rạp chiếu cũng như các dạng ấn phẩm khác như game, phim hoạt hình.

Chuyển thể những game thành công thành phim là một lựa chọn. Sony đang muốn chuyển thể loạt game "Uncharted" thành phim, với nhân vật chính là kẻ săn kho báu Nathan Drake. Tom Holland, nam tài tử đóng vai Nathan Drake, thủ vai Người Nhện. 

Mở rộng danh mục sở hữu trí tuệ cũng là một chủ trương của Sony. Năm ngoái Sony Music Entertainment đã mua cổ phần lớn của Peanuts Holdings, doanh nghiệp sở hữu loạt truyện tranh Peanuts và nhân vật nổi tiếng Snoopy. 

Giá cổ phiếu giảm dù mảng giải trí thăng hoa

Mặc dù mức độ tập trung vào mảng giải trí của Sony tăng dần, họ vẫn duy trì những mảng khác - bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, thiết bị y tế, dịch vụ internet băng thông rộng.

Một số mảng không liên quan tới nhau, nên giá cổ phiếu Sony có xu hướng giảm. Giới đầu tư thường không yên tâm về tương lai của những doanh nghiệp kinh doanh quá nhiều mảng. Giá cổ phiếu của Sony đã giảm 20% so với mức đỉnh gần nhất vào năm ngoái.

Sony

Giá cổ phiếu Sony có xu hướng giảm trong vài tháng qua dù tập đoàn đang gặt hái thành công với mảng giải trí. Ảnh: PC World

Thực tế ấy khiến Quỹ đầu tư Third Point (Mỹ) kêu gọi tập đoàn tách mảng bán dẫn và thoái vốn khỏi mảng tài chính để tăng giá trị cho các cổ đông.

Không phải mọi doanh nghiệp kinh doanh nhiều mảng đều chứng kiến giá cổ phiếu giảm. Một nhà phân tích chứng khoán ở Nhật Bản nhận định rằng, nếu các cổ đông nhất trí với đề xuất của Quỹ đầu tư Third Point, thì rất có thể nguyên nhân là giá cổ phiếu giảm, chứ không phải vì họ muốn hưởng mức cổ tức cao hơn.

Nhạc Dương