|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngày đầu tiên TP HCM cho bán mang về: Thiếu shipper khiến phí giao hàng cao ngất ngưởng, người bán không mặn mà

20:17 | 09/09/2021
Chia sẻ
Chủ cửa hàng thấy khó khăn về quy định mở bán, người dân không đặt được đồ ăn vì ít quán mở cửa, phí giao hàng cao trong ngày đầu TP HCM cho phép hàng quán được bán mang về sau hai tháng tạm dừng.

Tối qua, đọc tin TP HCM cho phép hàng quán bán mang về, chị Pha bán hủ tiếu tại phường Long Trường (TP Thủ Đức) mừng vì thoát cảnh "bán lén". Là hộ kinh doanh gia đình, từ trước đến giờ, hai vợ chồng chị Pha nấu chính, đứa con trai lớn nếu rảnh rỗi sẽ phụ giúp vài việc vặt. 

Nhờ mô hình kinh doanh "cây nhà lá vườn" mà chị dễ dàng mở bán trở lại. Khi được hỏi về những quy định áp dụng cho quán xá mở bán lần này, chị không mấy bận tâm vì "tôi không nằm trong đối tượng đó". Việc duy nhất chị làm hiện tại là dò hỏi xem có cần phải xem giấy phép và chờ UBND phường thẩm định hay không. Nhưng trước mắt, chị cứ mở bán để có thu nhập.

Tuy nhiên, vấn đề chị lo nhất hiện nay chính là tìm shipper nhận đơn. Thời gian trước, rất ít hàng quán tìm cách bán buôn, mỗi ngày chị Pha tìm shipper đã rất khó khăn. Nhiều đơn hàng phải huỷ vì không ai nhận giao. "Giờ đây thành phố cho mở cửa, nhiều hàng quán sẽ hoạt động trở lại, việc tìm shipper sẽ còn khó hơn nữa", chị lo lắng.

TP HCM cho bán mang về, chủ quán và khách hàng 'cười đây khóc đó' - Ảnh 1.

Một chuỗi cơm tấm nổi tiếng tại TP HCM vẫn sập cửa trong ngày 9/9. (Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến).

Dù có thể mở bán trở lại, quán bún bò tại phường Phú Hữu (TP Thủ Đức) của chị Như quyết định vẫn tiếp tục đóng cửa. Trong quán, chị chủ yếu lo khâu quản lý, việc nấu bếp và phục vụ thuê nhân viên. 

Nếu muốn mở cửa trở lại, người chủ quán 36 tuổi này phải xin cấp phép từ UBND phường, lo khâu xét nghiệm hai lần một ngày và chỗ ăn, chỗ ở để "ba tại chỗ" cho nhân viên. Với chị, đây sẽ là những khoản phí vô cùng lớn.

Quán bún của chị tận dụng tầng triệt của nhà để kinh doanh. Do đó, việc thu nạp nhân viên từ khu vực khác về nhà mà chưa thật sự yên tâm rằng họ không nhiễm bệnh, là một nỗi lo. Chị cho rằng: "Bán vài chục tô bún không lời bao nhiêu mà phải gánh thêm chi phí, tôi thấy không đáng để mở bán trở lại".

Ít nhất từ đây đến ngày 15/9 - thời điểm TP HCM dự kiến nới lỏng giãn cách, chị Thanh chỉ bán cầm chừng cho khách quen và người dân trong khu dân cư đang sinh sống. Ai có nhu cầu ăn bún, tối hôm trước sẽ nhắn tin chốt đơn cho chị, sáng hôm sau, chị đi bộ đến giao bún cho từng nhà.

Tối qua, chính quyền TP HCM cho loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động 6-18h hàng ngày theo hình thức bán mang đi sau 2 tháng tạm dừng. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ". Người lao động tham gia phải tiêm ngừa ít nhất một mũi vaccine COVID-19 và xét nghiệm âm tính với nCoV, tần suất hai ngày một lần.

Các cơ sở muốn mở cửa phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện để được cấp giấy đi đường. UBND TP HCM giao Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra, giám sát các phường, xã, thị trấn trong việc xác nhận trường hợp đủ điều kiện được phép hoạt động kinh doanh.

TP HCM cho bán mang về, chủ quán và khách hàng 'cười đây khóc đó' - Ảnh 2.

Phí ship bằng 71% giá trị đơn hàng. (Ảnh chụp màn hình).

Từ tâm trạng háo hứng khi hàng quán mở cửa trở lại, Yến Nhi (20 tuổi) không khỏi thất vọng khi chờ mãi mà nhiều thương hiệu "ruột" của mình chưa thông báo mở cửa. Cả ngày, cô nàng cứ rảnh sẽ truy cập Fanpage các chuỗi như Gong Cha, BoBaPop, Toco Toco… để chờ tin mở bán trở lại. Hiện tại, Phúc Long là chuỗi duy nhất Nhi yêu thích đã thông báo mở cửa.

"Tôi đọc báo, thấy nhiều người phân tích các quy định để mở cửa trở lại cho hàng quán khá khắt khe và khó khăn. Có lẽ vì thế mà nhiều bên chưa dám hoạt động", Nhi tự lý giải.

Thực tế trong ngày 9/9, dịch vụ giao thức ăn đã hoạt động trở lại trên các ứng dụng giao vận tại TP HCM. Tuy nhiên, danh sách cửa hàng chỉ là "bản sao" của mục đi chợ hộ vì chủ yếu bán thực phẩm tươi sống và hàng hoá thiết yếu khác. Số lượng cửa hàng bán thức ăn, đồ uống rất ít, nhất là khu vực ngoại thành.

Ngoài ra, nhiều người dân còn phản ánh họ khó đặt đồ ăn vì phí giao hàng đang cao ngất ngưỡng. Tại TP Thủ Đức, thử đặt một phần há cảo và lon nước giải khát tại một cửa hàng cách 2,8 km, người viết ghi nhận phí giao hàng 32.000 đồng, trong khi giá sản phẩm chỉ 45.000 đồng, tức phí giao hàng lên đến 71% giá sản phẩm.

Giải thích về hiện trạng này, AhaMove cho biết, thực tế thị trường đang chênh lệch cung - cầu khi số lượng shipper thấp hơn nhu cầu vận chuyển của người dân. Với mô hình kinh doanh mà AhaMove và các nền tảng khác đang áp dụng, shipper là đối tác, không phải là nhân viên. Do vậy, doanh nghiệp này chỉ có thể tạo ra môi trường và các điều kiện khuyến khích đối tác hoạt động chứ không thể "ép buộc" họ phải ra đường. Tài xế hiện ngại ra đường vì vừa sợ nhiễm bệnh, vừa sợ bị phạt, vừa sợ thu thập thấp.

"Chỉ chạy nội quận thì có khả năng doanh nghiệp rơi vào tình trạng tài xế 'ngồi chơi' nhưng yêu cầu của khách vẫn không được xử lý là rất lớn", đại diện AhaMove nhấn mạnh.

Y Khải