Ngay cả khi là chủ công ty, phụ nữ Hàn Quốc vẫn chịu sự kì thị của nam giới
Mọi nhân viên của Energy Nomad là nam giới. Họ là những kỹ sư chững chạc ở độ tuổi trung niên, luôn bận rộn với hoạt động sản xuất ở một nhà máy thuộc vùng ngoại ô thủ đô Seoul, hoặc tại các bàn trong văn phòng.
Những phụ nữ tiên phong trong phong trào khởi nghiệp
Người phụ nữ duy nhất trong công ty là Park Hye Rin. Cô cúi đầu chào khi một người đàn ông (vốn là nhà quản lí cấp cao) mời cô vào phòng họp. Nếu không phải là nhân viên công ty, có lẽ chẳng ai biết Rin chính là người có quyền hạn cao nhất. Cô thành lập Energy Nomad vào năm 2014.
"Có lẽ tôi sẽ truyền cảm hứng để nhiều phụ nữ Hàn Quốc khác tự gây dựng sự nghiệp kinh doanh", nữ giám đốc 33 tuổi phát biểu với The New York Times.
Hơn 12% phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Hàn Quốc thành lập công ty riêng trong năm 2018. Ảnh: The New York Times
Kim Min Kyung từng đạt tới thành công mà hàng triệu người mơ ước khi giữ vị trí quản lí trong tập đoàn Samsung. Nhưng cô và một đồng nghiệp bất ngờ ra khỏi Samsung năm 2014 và thành lập công ty Luxbelle để sản xuất đồ lót nữ.
Ở Samsung, Kyung cảm thấy các nhà quản lí phía trên không đánh giá công tâm năng lực của cô.
Chưa từng đối mặt với hành vi phân biệt đối xử từ các nhà quản lí cấp trên, song Kyung biết họ sẽ chẳng bao giờ dành cho cô chế độ xứng đáng với tài năng và đóng góp của cô.
Trong trụ sở công ty ở khu phố thuộc quận Gangnam, Min Kyung xử lí gần như mọi khâu của doanh nghiệp - từ thiết kế đồ lót, gọi vốn đến quản lý web và chăm sóc khách hàng.
"Phụ nữ bình đẳng với nam giới trong giáo dục. Nhưng khi làm việc cho các doanh nghiệp truyền thống, các hà quản lí thường đánh giá thấp phụ nữ. Thất vọng với văn hóa doanh nghiệp kiểu đó, một bộ phận phụ nữ tự lập công ty để vươn lên", Park Hee-eun, giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Altos Ventures ở Seoul, bình luận.
Cứ 10 phụ nữ Hàn thì hơn một người khởi nghiệp
Năm 2018, hơn 12% phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Hàn Quốc thành lập hoặc cùng quản lí doanh nghiệp mới (những doanh nghiệp hoạt động dưới 3 năm rưỡi). Hai năm trước đó, tỉ lệ ấy chỉ là 5%, theo tổ chức Global Entrepreneurship Monitor.
Ở Nhật Bản, nơi phụ nữ cũng đối mặt với định kiến tương tự Hàn Quốc, chỉ 4% phụ nữ trong độ tuổi lao động tự thành lập công ty.
Một báo cáo của tập đoàn Mastercard về 57 nền kinh tế vào năm ngoái cho thấy Hàn Quốc là nước đạt tiến bộ nhanh nhất về phong trào phụ nữ khởi nghiệp. Số liệu của chính phủ Hàn Quốc cũng chỉ rõ khoảng 1/4 công ty khởi nghiệp ra đời năm ngoái thuộc sở hữu của phụ nữ.
Xu hướng khởi nghiệp của phụ nữ có thể định hình lại thế giới doanh nghiệp ở Hàn Quốc, nơi định kiến đối với phụ nữ trong doanh nghiệp đã hằn sâu vào tiềm thức của các nhà quản lí.
50 năm qua, nền kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng nhanh và đạt nhiều thành tựu. Từ một trong những quốc gia nghèo nhất, Hàn Quốc trở thành nền kinh tế công nghiệp hóa, nổi tiếng với microchip và điện thoại thông minh.
Sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong doanh nghiệp ở Hàn Quốc
Bất chấp sự phát triển kinh tế ngoạn mục, khái niệm về vai trò của phụ nữ trong xã hội vẫn thay đổi chậm, khiến phụ nữ mắc kẹt với những công việc lương thấp và rất ít cơ hội thăng tiến.
Chỉ khoảng 10% vị trí quản lí doanh nghiệp ở Hàn Quốc thuộc về phụ nữ - tỉ lệ thấp nhất trong số các quốc gia mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế khảo sát. Trong khi đó, khoảng cách thu nhập giữa phụ nữ và nam giới ở Hàn Quốc lại cao nhất.
Định kiến với phụ nữ cũng tác động đến giới khởi nghiệp. Xây dựng doanh nghiệp mới là cuộc phiêu lưu mạo hiểm với mọi người, song các chủ ngân hàng, nhà quản lí và thậm chí nhân viên đều không coi trọng nữ chủ doanh nghiệp.
"Bạn phải nỗ lực hơn nhiều lần nam giới để trở thành nữ doanh nhân", Kyung bình luận.