|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hãng đóng tàu lớn nhất lao đao, thành phố giàu nhất Hàn Quốc đối mặt nguy cơ suy tàn

09:19 | 31/08/2019
Chia sẻ
Tình trạng sa sút của mảng đóng tàu thuộc tập đoàn Huyndai khiến người dân thành phố từng giàu nhất Hàn Quốc trong 9 năm lo ngại về tương lai của họ.

Park Jin-ok, 46 tuổi, là một trong những người đầu tiên tự nguyện rời hãng Hyundai Heavy Industries sau 15 năm làm thợ hàn cho xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới. 

Từ khi ông Park về hưu vào năm 2016, tới 35.000 công nhân xưởng đóng tàu Hyundai Heavy Industries ở Ulsa thôi việc hoặc nhận quyết định sa thải.

"Họ đối mặt với quá nhiều áp lực, đặc biệt là những người sẽ về hưu sau vài năm nữa hoặc nhận mức lương quá cao", ông Park nói chuyện Bloomberg trong một ngày tháng 8 ở Ulsan.

Ulsan từng là thành phố giàu nhất Hàn Quốc trong 9 năm liên tiếp về phương diện thu nhập bình quân đầu người. 

Huyndai

Tổ hợp đóng tàu ở Ulsan từng là mối đe dọa đáng gờm với các xưởng đóng tàu ở châu Âu và Mỹ. Ảnh: Alamy

Mang biệt danh "đô thị Hyundai", thành phố Ulsan sở hữu nhà máy lắp ráp xe hơi lớn nhất hành tinh (thuộc sở hữu của Hyundai Motor Company), xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới (thuộc sở hữu của Hyundai Heavy Industries) và nhà máy lọc dầu lớn thứ ba thế giới (của SK Energy).

Tổ hợp đóng tàu ở Ulsan từng là mối đe dọa đáng gờm với các xưởng đóng tàu ở châu Âu và Mỹ. Nhưng hiện tại họ đang đối mặt với hiểm họa tương tự từ Trung Quốc. 

Dữ liệu của Bloomberg Intelligence cho thấy thị phần đóng tàu của Trung Quốc sẽ tăng từ 24% năm 2018 lên 52% năm 2021, còn thị phần của Hàn Quốc sụt giảm từ 38% xuống 22%.

Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch sáp nhập hai tập đoàn đóng tàu quốc doanh lớn nhất là China Shipbuilding Industry Corp. và China State Shipbuilding Corp. thành một tổ chức lớn hơn cả Hyundai.

Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ nước ngoài, hồi tháng 3 Hyundai Heavy đồng ý sáp nhập với đối thủ nội địa Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co. để tạo ra tập đoàn mới có trụ sở ở thủ đô Seoul. Tên của tập đoàn là Korea Shipbuilding & Offroad Engineering Co (KSOE).

Để thỏa thuận sáp nhập có hiệu lực, hai bên cần sự phê chuẩn của các cơ quan quản lý chống độc quyền trong và ngoài nước. Bloomberg Intelligence đánh giá KSOE đủ tiềm lực để cản tốc độ chiếm lĩnh thị phần của các hãng đóng tàu Trung Quốc.

Ulsan

ông Song Cheol-ho, Thị trưởng Ulsan đã cạo đầu để phản đối vụ sáp nhập giữa Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering và Huyndai Heavy Industry. Ảnh: Bloomberg.

Mặc dù vậy, làn sóng phản đối thỏa thuận đang dâng trào tại Ulsan. Người dân địa phương lo sự xuất hiện của KSOE sẽ đẩy Hyundai Heavy ở Ulsan vào cảnh nợ nần. Hồi tháng 5, ông Song Cheol-ho, Thị trưởng Ulsan đã cạo đầu để phản đối vụ sáp nhập.

"Hyundai sẽ rút hết nhân lực nghiên cứu và phát triển cũng như nguồn lợi nhuận khỏi Ulsan. Nhiều khả năng thành phố sẽ suy tàn", ông Kim Yearn-min, giáo sư kĩ thuật công nghiệp của Đại học Ulsan, dự đoán.

Theo kế hoạch tái cấu trúc, Hyundai Heavy sẽ trả 95% số nợ, khiến tỷ lệ nợ trên vốn của công ty vọt lên 131%. KSOE chỉ chịu tỷ lệ 3.7% nợ trên vốn và hưởng toàn bộ lợi nhuận. Công nhân Hyundai Heavy lo ngại vụ sáp nhập sẽ dẫn tới cảnh sa thải hàng loạt.

"Công nhân sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thỏa thuận lương. Kế hoạch tái cấu trúc mang lại lợi thế lớn cho các cổ đông, nhưng đẩy người lao động vào thế khó", giáo sư Park Sangin, một giảng viên của Đại học Quốc gia Seoul, nhận xét.

Ban lãnh đạo Hyundai Heavy họ chi tối thiểu 6.000 tỉ won (chừng 5 tỉ USD) để mua Daewoo Shipbuilding. Với mô hình mới, Hyundai Heavy và KSOE sẽ hoạt động độc lập. Hyundai Heavy khẳng định nợ của hãng sẽ chỉ bằng chưa đầy 50% thời kỳ tăng trưởng mạnh nhất.

Tập đoàn cam kết không ép nhân viên phải nghỉ hưu sớm và việc làm của hàng nghìn công nhân vẫn ổn định, bởi hoạt động kinh doanh bắt đầu phục hồi. Năm ngoái, Hyundai Heavy kí hợp đồng đóng 163 tàu mới, trị giá khoảng 14 tỷ USD, trong khi tổng trị giá hợp đồng trong năm 2017 chỉ là 9,9 tỷ USD.

Chung Mong-joon

Ông Chung Mong-joon, cổ đông lớn nhất của Hyundai Heavy Industries. Ảnh: Zee News

"Giảm việc làm sẽ không xảy ra. Chúng ta đang mất ưu thế về giá so với Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng khi hai công ty kết hợp năng lực nghiên cứu và phát triển, sức mạnh chung sẽ gia tăng", lãnh đạo Hyundai Heavy viết trong email gửi nhân viên.

Dù vậy, nhiều công nhân lo ngại thỏa thuận sáp nhập là cách để gia tộc sở hữu Hyundai tiếp tục kiếm tiền từ công sức của hàng chục nghìn lao động. 

Cổ đông lớn nhất của Hyundai Heavy là ông Chung Mong-joon, con trai thứ sáu của người sáng lập tập đoàn Hyundai.

Người đàn ông 67 tuổi đang chuẩn bị mọi thứ để nắm vị trí lãnh đạo mảng đóng tàu. Trị giá cổ phiếu của ông và người cha tại Hyundai Heavy đạt khoảng 1,3 tỷ USD.

Nhạc Dương