|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành thủy sản đặt kế hoạch đi lùi, dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD trong năm 2023

08:05 | 28/12/2022
Chia sẻ
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đây là một mục tiêu khiêm tốn cho ngành thuỷ sản nhưng lường trước được những khó khăn của nền kinh tế và ngành đã bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 2022.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết năm 2022, tổng sản lượng đạt hơn 9 triệu tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 5,2 triệu tấn, sản lượng khai thác đạt 3,8 triệu tấn. Giá trị sản xuất thủy sản cũng tăng 3% so với năm 2021.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22% so với kế hoạch 9 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng tôm mang về kim ngạch 4,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021, cá tra thu được 2,4 tỷ USD, tăng 70%.

Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD, tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,7 triệu tấn. 

 Thứ trưởng Bộ NN&PNT Phùng Đức Tiến trả lời báo chí tại hội nghị tổng kết ngành thủy sản. (Ảnh: Hoàng Anh)

Nói về con số 10 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết năm 2023, nền kinh tế nói chung và thủy sản nói riêng đã xuất hiện những khó khăn, thách thức từ tháng 8/2022.

“Ngành thủy sản đặt mục tiêu 10 tỷ USD, mức khiêm tốn, còn ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng sẽ linh hoạt để quyết định các giải pháp tăng tốc các thời điểm thích hợp", ông Tiến nói.

 Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP trả lời báo chí tại hội nghị tổng kết ngành thủy sản. (Ảnh: Hoàng Anh) 

Đồng quan điểm, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng năm 2023, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những bài toán về chậm, hoãn giao hàng, chi phí bảo quản, lưu kho cao, thiếu vốn…

Những thách thức của doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tác động đến việc thu mua nguyên liệu cho nông dân, người dân cũng “khát” vốn cho việc đầu tư nuôi trồng vụ mới. Khó khăn chồng chất khó khăn có thể tạo ra hiệu ứng domino kéo lùi tăng trưởng của ngành thủy sản.

“Giai đoạn đầu năm 2023, doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu sang các nền kinh tế tiềm năng như Trung Đông. Dự báo nửa sau năm 2023, kinh tế các nước và nhu cầu thị trường sẽ hồi phục, điều này thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trở lại. Do vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nguyên liệu, nguồn lực, nguồn vốn để có thể đón cơ hội”, bà Lê Hằng nói.

Hoàng Anh