|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành thép Trung Quốc vất vả trong quá trình tái cơ cấu

07:30 | 11/12/2016
Chia sẻ
Việc tái cơ cấu ngành thép nhằm phục vụ cho chiến lược cải cách hiện được coi là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh.

Trong bối cảnh tình trạng dư thừa công suất trong ngành thép đang là bài toán nan giải đối với Chính phủ Trung Quốc, việc tái cơ cấu ngành sản xuất này được coi là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh. Mặt khác, nỗ lực chuyển đổi ngành thép còn giúp nước này đối phó tốt hơn với những rào cản từ một loạt quốc gia đối với thép nhập khẩu Trung Quốc để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước.

Thị trường trong “cơn lũ thép”

Kể từ "kỷ nguyên" Mao Trạch Đông, sản xuất thép đã góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế tại Trung Quốc, cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác và hỗ trợ thị trường bất động sản. Tuy nhiên, sản lượng thép của Trung Quốc từ năm 2006 đã có tình trạng dư cung, buộc Bắc Kinh phải tìm kiếm những thị trường mới cũng như tìm biện pháp để cân bằng cung - cầu.

Trong 25 năm trở lại đây, sản lượng thép của Trung Quốc tăng hơn 12 lần, còn tính từ năm 2000 đến nay, sản lượng thép của nước này tăng gấp ba lần, chiếm đến 50% sản lượng thép trên toàn thế giới, và nước này vẫn đang tiếp tục “xả lũ thép” ra thị trường thế giới với sự trợ giúp của nhà nước, khi nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm mạnh do sự nguội lạnh của thị trường bất động sản. Đó là nguyên nhân khiến thép Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường thế giới, qua đó làm cho các nhà máy thép của các nước khác lâm vào tình trạng khủng hoảng, khó cạnh tranh.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Thế giới, sản lượng thép chưa luyện toàn cầu năm 2015 lên tới 1,62 tỷ tấn, trong khi lượng thép tiêu thụ chỉ khoảng 69,7%, thấp hơn 3,7% so với năm 2014. Điều này cho thấy tình trạng dư thừa sản lượng đang ngày càng trầm trọng trong ngành công nghiệp sắt thép toàn cầu.

Ngoài Trung Quốc, các “ông lớn” khác trong ngành sản xuất thép như Mỹ và EU cũng đang đau đầu với vấn đề dư thừa sản lượng ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, EU và Mỹ chủ yếu tập trung đổ lỗi cho Trung Quốc và áp đặt các biện pháp bảo hộ.

Hồi tháng Tư năm nay, trong thông cáo chung sau cuộc họp cấp cao về lĩnh vực gang thép ở Brussels, Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker và Đại diện Thương mại Michael Froman của Mỹ cáo buộc Trung Quốc là nguyên nhân khiến các bên không thể tìm ra một giải pháp toàn cầu về vấn đề liên quan.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nói rằng sản lượng thép dư thừa 600 triệu tấn của Trung Quốc đã gây thiệt hại cho ngành công nghiệp thép trên thế giới, và đây là lý do khiến một số quốc gia quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.

Ngoài việc hối thúc Bắc Kinh nhanh chóng cắt giảm nguồn cung thép dư thừa, để bảo vệ ngành luyện kim trước nguy cơ khánh kiệt khiến hàng chục nghìn người thất nghiệp, “vũ khí tự vệ” của châu Âu là tăng thuế khoảng trên dưới 20% đối với thép Trung Quốc.

Tuy nhiên, với giới kỹ nghệ gia luyện kim châu Âu, các biện pháp mới của Brussels là không đủ hiệu quả. Theo Công đoàn Aegis Europe (đại diện cho khoảng 30 tập đoàn châu Âu hoạt động trong các lĩnh vực từ luyện kim đến tấm pin Mặt trời, dệt may và xe đạp) thì các biện pháp trên là quá yếu trong khi ngành công nghiệp thép của châu Âu đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Mỹ có phần mạnh tay hơn khi áp mức thuế 522% đối với thép cuộn nguội và 450% đối với thép không bị ăn mòn từ ngày 18/5/2016. Phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại lên cao giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ở một số mặt hàng. Trong đó thép là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm.

Các nhà sản xuất thép lớn của Mỹ đã đơn phương gửi hồ sơ lên Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC)kêu gọi việc cấm cửa hoàn toàn các sản phẩm thép nhập khẩu của Trung Quốc. Trong năm 2015, đã có tới 12.000 công nhân bị mất việc tại các công ty thép của Mỹ bởi sự cạnh tranh thiếu công bằng của các nhà sản xuất Trung Quốc.

Ngoài ra, lượng thép mà các nước Mỹ Latinh nhập khẩu từ Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 2,7 triệu tấn, giảm 35%. Nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm này là do các quốc gia trong khu vực áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất thép nội địa, nhất là Mexico, Brazil, Colombia và Cộng hòa Dominicana.

Nỗ lực cải tổ còn nhiều thách thức

Tình trạng dư thừa sản lượng thép đã trở thành “kẻ ngáng đường cứng đầu” nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc trong những năm gần đây. Việc giảm bớt tình trạng dư thừa công suất là ưu tiên hàng đầu hiện nay của Chính phủ Trung Quốc nhằm phục vụ cho chiến lược cải cách kinh tế.

Sản lượng thép dư thừa trở thành "kẻ ngáng đường cứng đầu nhất" đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Ảnh: forbes.com

Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết nước này hy vọng sẽ đạt được mục tiêu hạn chế tình trạng dư thừa công suất trong lĩnh vực thép và than đá sớm hơn so với kế hoạch đặt ra cho năm 2016. NDRC cho biết tính tới cuối tháng Chín năm nay, Trung Quốc đã hoàn thành hơn 80% mục tiêu cắt giảm lượng thép và than đá dư thừa trong năm 2016.

Trước đó, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ cắt giảm từ 100 đến 150 triệu tấn thép trong giai đoạn 2016-2020, trong đó mục tiêu cắt giảm của năm 2016 là 45 triệu tấn thép. Còn mục tiêu cắt giảm sản lượng than đá của Trung Quốc trong năm nay là 250 triệu tấn.

Theo chính quyền tỉnh Hà Bắc, tỉnh sản xuất sắt và thép chính của Trung Quốc này đã cắt giảm công suất thép 14,6 triệu tấn trong các tháng 1-10/2016, trong khi đây là mục tiêu được đề ra cho cả năm 2016.

Tuy nhiên, cơ cấu của ngành thép lại đặt ra một thách thức rất lớn cho nỗ lực này. Hàng nghìn công ty thép địa phương cỡ nhỏ vẫn nằm rải rác trên toàn quốc, sản xuất đến 60% sản lượng thép của Trung Quốc. Các chính sách của chính quyền địa phương nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ đã giúp các công ty hoạt động thiếu hiệu quả này tiếp tục tồn tại.

Bắc Kinh đã thử một vài biện pháp để kiềm chế các nhà sản xuất nhỏ như từ chối cấp tín dụng, gây áp lực lên chính quyền địa phương và cưỡng chế đóng cửa nhà máy, song cho tới nay hầu như chưa thành công. Bên cạnh đó, đối với Trung Quốc, thu hẹp nguồn cung thép không phải là việc có thể làm ngay, thậm chí quá trình này có thể kéo dài nhiều năm.

Thêm nữa, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn với nhịp độ tăng trưởng chạm "đáy" của 25 năm, cùng những bất ổn trên thị trường lao động, nước này chắc chắn không muốn tạo ra thêm bất ổn xã hội qua việc sa thải thêm hàng triệu lao động trong ngành thép./.

Minh Trang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.