|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngành logistics tăng trưởng trở lại sau 5 tháng lao dốc

17:18 | 08/10/2022
Chia sẻ
Theo dữ liệu từ Logistics Managers’ Index, ngành logistics đã chứng kiến sự tăng trưởng trở lại vào tháng 9 sau quãng thời gian sụt giảm liên tiếp trong 5 tháng, bắt đầu từ tháng 4.

Hoạt động kinh tế trong ngành logistics đã tăng trưởng trở lại vào tháng 9. Theo Supply Chain Quarterly, lĩnh vực logistics đã có sự tăng trưởng trở lại với tốc độ vừa phải so với mốc thời gian tháng 4, dựa trên báo cáo mới nhất của Logistics Managers’ Index (LMI), được công bố ngày 4/10.

Tốc độ tăng trưởng của ngành logistics đã chậm lại trong 6 tháng qua. Trước đó, ngành này đã chứng kiến mức tăng trưởng cao kỷ lục kéo dài khoảng một năm rưỡi được thúc đẩy bởi nhu cầu dịch vụ logistics do đại dịch COVID-19 gây ra.

LMI trong tháng 9 đạt 61,4 điểm, tăng 1,7 điểm so với tháng 8, nhưng thấp hơn tương đối so với mức cao nhất mọi thời đại là 76,2 điểm trong tháng 3. Điểm LMI trên 50 cho thấy sự mở rộng trong toàn ngành, còn nếu chỉ số dưới 50 điểm cho thấy ngành logistics đang bị thu hẹp. Theo các nhà nghiên cứu của LMI, chỉ số trên 70 điểm cho thấy sự tăng trưởng đáng kể của lĩnh vực này.

Tăng trưởng ngành logistics giai đoạn tháng 10/2020 - tháng 9/2022. (Nguồn: Supply Chain Quarterly).

Báo cáo của LMI dựa trên một cuộc khảo sát hàng tháng đối với các chuyên gia trong ngành logistics tại khu vực Bắc Mỹ. Theo các chuyên gia, lĩnh vực này đang có sự tăng trưởng chậm lại, song mức tăng trưởng của ngành đang được thúc đẩy bởi lượng hàng tồn kho cao cùng các chi phí liên quan để nắm giữ và quản lý hàng tồn kho.

Một chỉ số liên quan tới hàng tồn kho đã tăng hơn 4 điểm trong tháng 9 lên mức 71,9 điểm, tiếp tục xu hướng kéo dài suốt năm 2022, chỉ ra rằng lượng hàng tồn kho ngày càng tăng lên. Điều này bắt nguồn từ việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn, dẫn đến có nhiều hàng hóa về các kho bãi muộn hơn dự kiến.

Hai yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới tình trạng tăng hàng tồn kho là sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng sau đại dịch COVID-19 và áp lực từ lạm phát tăng cao. Tình trạng dư thừa hàng tồn kho và thiếu không gian nhà kho đang làm tăng chi phí, vì chỉ số chi phí hàng tồn kho của LMI vẫn ở mức cao, khoảng 77,2 điểm trong tháng 9.

“Hàng tồn kho ở khắp mọi nơi. Mạng lưới kho bãi xuyên suốt, có nghĩa là chi phí hàng tồn kho đang tăng cao. Tình hình hiện tại đang làm tăng giá và nhu cầu sử dụng kho bãi”, nhà nghiên cứu Zac Rogers, trợ lý giáo sư về quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Bang Colorado, cho biết.

Trong tháng 9, chỉ số về giá thuê kho bãi tăng nhẹ lên 75,4 điểm và chỉ số hiệu suất sử dụng kho đạt 76,8 điểm, tăng hơn 11 điểm so với tháng 8 và cao thứ hai trong lịch sử theo dõi của LMI. Nhà nghiên cứu Rogers cho biết những con số này phản ánh mong muốn của các công ty trong việc đón đầu nhu cầu, đặc biệt là khi mùa vận chuyển cao điểm vào dịp lễ cuối năm đang diễn ra.

Các chỉ số lưu trữ kho bãi trái ngược với các biện pháp vận chuyển, tiếp tục nới lỏng trong tháng 9. Chỉ số về năng lực vận tải gần đạt mức cao kỷ lục và chỉ số giá vận tải tiếp tục xu hướng giảm từ tháng 3, chạm mức thấp nhất trong hai năm. Đồng thời, chỉ số về việc sử dụng phương tiện giao thông đã tăng trong tháng 9, có nghĩa là các công ty đang sử dụng những gì đã có sẵn. Theo ông Rogers, điều này dường như phản ánh nỗ lực cắt giảm chi phí của doanh nghiệp bằng cách kết hợp vận tải càng nhiều càng tốt.

“Mọi người đều đang cố gắng cắt giảm chi phí. Các doanh nghiệp cũng đã học được những bài học trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Sự thắt chặt trong cuỗi cung ứng trong vài năm qua đã khiến họ nhận ra nhiều điều. Bây giờ, họ muốn tối ưu hoạt động để tăng hiệu quả trong công việc logistics”, ông Rogers nói.

Trong tương lai, những người trả lời khảo sát dự đoán tốc độ tăng trưởng của ngành logistics trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng ở mức vừa phải. Cụ thể, những người được hỏi dự đoán tốc độ tăng trưởng chung của ngành trong 12 tháng tới sẽ ở trên mốc 50 điểm theo LMI. Đó là dự đoán mà ông Rogers cho biết nên được mong đợi sau sự mở rộng nhanh của ngành công nghiệp logistics trong hai năm qua.

“Ngành logistics đã tăng trưởng như thể “lái xe 200 dặm mỗi giờ trên đường cao tốc”. Những việc như vậy không thể trở thành yếu tố bền vững. Toàn ngành phải giảm tốc độ và trở lại trạng thái bình thường, và đó chính xác là những gì chúng ta đang thấy”, ông Rogers cho biết.

LMI theo dõi sự tăng trưởng tổng thể của ngành logistics trên nhiều yếu tố khác nhau, gồm mức hàng tồn kho, chi phí, khả năng sử dụng, giá cả của kho bãi, khả năng vận chuyển,…

Báo cáo được phát hành hàng tháng bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Bang Arizona, Đại học Bang Colorado, Viện Công nghệ Rochester, Đại học Rutgers và Đại học Nevada, Reno, kết hợp với Hội đồng Chuyên gia Quản lý Chuỗi Cung ứng (CSCMP).

Anh Nguyễn