|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngành hàng không Trung Quốc sẵn sàng chuẩn bị cho mở cửa biên giới

22:13 | 30/12/2022
Chia sẻ
Các hãng hàng không Trung Quốc có lợi thế trong việc phục hồi, bao gồm cơ sở khách hàng lớn ở Trung Quốc và khả năng tăng công suất bay nhanh chóng trên các tuyến có nhu cầu cao nhất.

Máy bay của hãng hàng không Air China. (Ảnh: TTXVN)

Các nhà phân tích nhận định ngành hàng không Trung Quốc sẽ sớm hưởng trái ngọt khi nước này chính thức mở cửa trở lại với quốc tế, khi họ đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực cùng hầu hết các máy bay thân rộng của mình trong khi các hãng hàng không nước ngoài phải vật lộn với những hạn chế về sức chứa sau những đợt mở cửa biên giới trước đó.

Những lợi thế để phục hồi

Theo một phân tích của công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey sử dụng dữ liệu từ công ty theo dõi ngành hàng không Cirium, chưa đến 1/5 trong phi đội máy bay thân rộng (gồm khoảng 500 chiếc) của Trung Quốc đang được cất trong kho. Hầu hết các máy bay đang hoạt động, nhưng bay ít giờ hơn bình thường trên các tuyến nội địa, quốc tế và vận chuyển hàng hóa.

Các hãng hàng không Trung Quốc cũng giữ lại hầu hết phi công và tiếp viên trong thời kỳ đại dịch, trong khi các sân bay giữ lại khoảng 90% nhân viên của họ. Theo đánh giá của chuyên gia Steve Saxon thuộc McKinsey, điều này sẽ giúp các hãng tránh được tình trạng hỗn loạn như từng xảy ra ở Bắc Mỹ và châu Âu khi hoạt động bay được mở trở lại.

Ông cũng cho rằng khả năng sinh lời của các hãng bay Trung Quốc sẽ tốt trong ngắn hạn. Vì ngay cả khi các nhà khai thác hàng không Trung Quốc mở lại hoạt động khá nhanh, nhu cầu vẫn cao hơn nguồn cung và điều đó thường đồng nghĩa là giá vé tăng.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không nhà nước gồm Air China, China Southern Airlines và China Eastern Airlines đã nhận được hỗ trợ tài chính trong thời gian xảy ra đại dịch. Họ đã duy trì các máy bay thân hẹp hoạt động trên các tuyến nội địa, giúp đảm bảo khả năng triển khai máy bay nhanh chóng đến các điểm đến châu Á.

Nhà phân tích độc lập Brendan Sobie tại Singapore cho biết các hãng hàng không Trung Quốc có lợi thế trong việc phục hồi, bao gồm cơ sở khách hàng lớn ở Trung Quốc và khả năng tăng công suất bay nhanh chóng trên các tuyến có nhu cầu cao nhất.

Ông nói thêm rằng các hãng hàng không nước ngoài không có sự linh hoạt đó. Họ sẽ khó dự báo nhu cầu phục hồi ra sao trên các tuyến bay Trung Quốc của mình.

Nhiều hãng hàng không nước ngoài cũng đã cho “nghỉ hưu” một số lượng lớn máy bay thân rộng trong đại dịch và phải vật lộn để bổ sung công suất bay ngay cả trước khi Trung Quốc mở cửa.

Các hãng hàng không bao gồm Lufthansa, United Airlines, Singapore Airlines và Qantas Airways trong tuần này cho biết đang xem xét kế hoạch cho các chuyến bay Trung Quốc. Nhưng không hãng nào thông báo tăng ngay lập tức công suất bay.

Không chỉ có hoa hồng

Số liệu của công ty nghiên cứu thị trường ForwardKeys cho thấy khoảng 62% vé đến và đi từ Trung Quốc vào năm 2019 do các hãng hàng không nước này bán ra, 38% còn lại do các hãng hàng không nước ngoài phụ trách. Điều đó phản ánh việc nhu cầu đi ra nước ngoài của du khách Trung Quốc cao ra sao.

Tuy nhiên, tình hình không toàn “màu hồng” đối với các hãng hàng không Trung Quốc.

Dữ liệu của công ty theo dõi thông tin trạng thái chuyến bay VariFlight cho thấy các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Trung Quốc chỉ bằng 8% so với mức trước đại dịch. Các hãng vận tải đang phải tăng cường yêu cầu xác nhận quyền lưu thông và vị trí đỗ trên sân bay khi họ muốn tăng công suất.

Chuyên gia Saxon của McKinsey cho biết giá vé máy bay tại Trung Quốc vẫn cao, trong khi các rào cản du lịch khác bao gồm yêu cầu gia hạn hộ chiếu và đơn xin thị thực vẫn đang dồn ứ. Ngoài ra, một số quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Italy đã đưa ra các yêu cầu kiểm dịch mới đối với du khách Trung Quốc.

Ông hy vọng công suất bay quốc tế đến và đi từ Trung Quốc sẽ tăng lên khoảng 20-30% so với mức trước đại dịch vào tháng 3/2023, rồi có thể đạt 50% vào mùa Hè.

H.Thủy