Thế giới tiến thoái lưỡng nan: Nước này hạn chế, nước kia nhiệt liệt chào đón du khách Trung Quốc
Mới đây, Bắc Kinh đã thông báo sẽ mở cửa biên giới vào đầu tháng 1/2023. Ít nhất 6 chính phủ đã công bố những hạn chế mới đối với khách du lịch từ Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, một số quốc gia khác lại đang phát động hoặc đẩy mạnh các chiến dịch nhằm thu hút du khách Trung Quốc với các khẩu hiệu như “chúng tôi chờ đón bạn” hoặc “chờ cho đến khi gặp được bạn”.
Thông qua mạng xã hội Trung Quốc, các hiệp hội du lịch ở nhiều nước châu Âu, cùng với Australia và New Zealand, đang cố gắng thu hút du khách, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin.
Hiệp hội du lịch Tây Ban Nha đã đăng ảnh về thành phố Barcelona với nội dung “Sau ba năm, Tây Ban Nha cuối cùng cũng có cơ hội được gặp các bạn!” Các nước Na Uy, Áo, Bồ Đào Nha, Thuỵ Sĩ và Hà Lan cũng đăng những bài viết tương tự.
Hashtag “nhiều quốc gia đã đăng tải bài viết mới lên Weibo để chào đón khách du lịch Trung Quốc” đã trở thành xu hướng và ghi nhận hơn 2,3 triệu lượt xem trên nền tảng này tính đến trưa ngày 29/12.
Hôm 27/12, một bài đăng từ Đại sứ quán Pháp có đoạn: “Những người bạn Trung Quốc, nước Pháp chúng tôi sẽ chào đón các bạn với vòng tay rộng mở”. Bài đăng đã nhận được phản ứng tích cực trên mạng, thu hút rất nhiều bình luận.
Người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã so sánh cách làm của Pháp với động thái của Mỹ, Nhật Bản và Italy. Ba quốc gia này hiện yêu cầu du khách từ Trung Quốc phải xét nghiệm COVID trước khi lên máy bay hoặc ngay khi nhập cảnh.
Nhật Bản là nước đầu tiên công bố các hạn chế. Theo đó, du khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID và phải cách ly nếu xét nghiệm dương tính khi đến Nhật Bản, bắt đầu từ nửa đêm ngày 30/12.
Mỹ cũng “nối gót” Nhật Bản. Washington thông báo rằng do “thiếu dữ liệu minh bạch” về đợt bùng phát hiện tại, kể từ ngày 5/1, hành khách đến từ Trung Quốc sẽ phải xét nghiệm COVID trước khi nhập cảnh.
Chính phủ Italy cho biết họ sẽ bắt đầu xét nghiệm toàn bộ du khách đến từ Trung Quốc sau khi các nhà chức trách phát hiện gần một nửa số hành khách trên hai chuyến bay đến Milan có virus.
Theo thông tin của SCMP, Italy có thể áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt hơn nếu giới chức Milan phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 trên du khách Trung Quốc.
Ấn Độ thì yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính đối với du khách đến từ Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong và Thái Lan. Malaysia cũng đang đẩy mạnh chương trình truy vết ca bệnh.
Trong khi đó, Indonesia và Philippines nói họ không có kế hoạch áp đặt thêm các biện pháp kiểm soát đối với du khách Trung Quốc. Philippines nhấn mạnh rằng họ cần mở cửa nền kinh tế và không cần thiết phải đóng cửa biên giới.
Động thái chính sách mâu thuẫn của các nước nêu trên đã làm nổi bật tình thế tiến thoái lưỡng nan mà phần còn lại của thế giới đang phải đối mặt khi Trung Quốc trải qua đợt bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay.
Hôm 25/12, Trung Quốc tuyên bố rằng từ ngày 8/1/2023, chính phủ sẽ dỡ bỏ hạn chế liên quan đến các chuyến bay quốc tế. Đây là bước đi lớn của Trung Quốc sau gần ba năm theo đuổi chiến lược Zero COVID hà khắc.
Đồng thời, Bắc Kinh còn thông báo sẽ mở cửa với Hong Kong và Macau, và giới chức địa phương sẽ bắt đầu gia hạn hộ chiếu cho du khách.
Những thay đổi trên được dự báo là sẽ thúc đẩy hoạt động du lịch, kinh doanh cũng giao lưu học tập giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.
Song, thay đổi của Bắc Kinh lại diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang tăng mạnh sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế COVID trong nước.
Chưa kể, giới chuyên gia lo sợ rằng sự lây lan nhanh chóng của virus có thể dẫn đến sự xuất hiện của các biến chủng mới.
Tuy nhiên, chia sẻ với Xinhua, ông Xu Wenbo - Giám đốc Viện Quốc gia về Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, cho biết tất cả 9 biến thể phụ của virus được phát hiện ở Trung Quốc kể từ tháng 12 đều “thuộc về biến chủng Omicron”.
Dù vậy, các chuyên gia rất khó để đánh giá chính xác quy mô của đợt bùng phát hiện tại. Chính phủ Trung Quốc đã ngừng công bố ca nhiễm mới hàng ngày và thu hẹp định nghĩa ca tử vong do COVID.
Song, số liệu chính thức của chính phủ ước tính rằng gần 37 triệu người đã nhiễm bệnh chỉ trong một ngày vào tuần trước, theo SCMP.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, Trung Quốc là mắt xích quan trọng của hoạt động du lịch toàn cầu trước khi đại dịch xuất hiện.
Người dân Trung Quốc đã đóng góp 255 tỷ USD - tương đương gần 20% tổng chi tiêu cho du lịch nước ngoài vào năm 2019. Con số này đã giảm một nửa xuống còn 131 tỷ USD vào năm sau đó và tiếp tục tụt xuống còn 106 tỷ USD vào năm 2021.