|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ngành hàng không khởi sắc, ACV báo lãi sau thuế hơn 1.600 tỷ đồng quý I

10:11 | 05/05/2023
Chia sẻ
Thành quả trên của ACV đạt được trong bối cảnh bức tranh ngành hàng không đang sáng dần lên khi sản lượng hành khách trong quý đầu năm tăng trưởng gần 100% so với cùng kỳ năm 2022.

Một góc sân bay quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế) thuộc ACV đã được đưa vào khai thác ngày 30/4. (Ảnh: Minh Hằng).

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) cho thấy doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.728 tỷ đồng, tăng 2.620 tỷ, tương ứng tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, giá vốn hàng bán của ACV tăng 23%, thấp hơn mức tăng của doanh thu thuần nên công ty lãi gộp 2.939 tỷ đồng. Biên lãi gộp trong kỳ đạt 62,2%, cải thiện nhiều so với 31,1% của cùng kỳ năm ngoái.

Quý I, doanh thu từ hoạt động tài chính của ACV giảm 37% về 416 tỷ đồng do không phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kì.

Trong khi đó, chi phí tài chính nhảy vọt gấp gần 37 lần cùng kỳ lên 792 tỷ (do lỗ chênh lệch tỷ giá), còn chi phí bán hàng tăng 2,3 lần, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 1,4 lần do tăng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Kết quả, ACV báo lãi sau thuế 1.635 tỷ đồng, tăng 87% so với quý I/2022.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

 Nguồn: ACV.

Năm 2023, ACV đặt kế hoạch doanh thu 18.414 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 8.448 tỷ đồng. Công ty cũng đặt mục tiêu nộp ngân sách Nhà nước 1.831 tỷ đồng. Ngoài ra, ACV còn dự kiến tập trung nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành giai đoạn 1, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng Cảng hàng không Điện Biên, mở rộng nhà ga T2 Nội Bài, nhà ga T2 Cát Bi trong năm 2023.

Thành quả trên của ACV đạt được trong bối cảnh ngành hàng không đang sáng dần lên khi sản lượng hành khách trong quý đầu năm tăng trưởng gần 100% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trước đó, các hãng tàu bay như Vietjet (Mã: VJC) có lãi trở lại với 168 tỷ đồng, Vietnam Airlines (Mã: HVN) lỗ sau thuế 37 tỷ đồng, thấp nhất kể từ khi COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020. Trong khi đó, Bamboo Airways gần như đạt điểm hoà vốn và Vietravel Airlines tiếp tục chiến lược mở rộng đội bay.

Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, trong ngắn và trung hạn, triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam đang chịu sự phụ thuộc lớn vào tiềm năng hồi phục của các đường bay quốc tế, đặc biệt là với thị trường Trung quốc.

Thêm vào đó, áp lực gia tăng chi phí lãi vay và doanh thu tài chính sụt giảm nhằm đáp ứng nhu cầu thu xếp nguồn vốn phục vụ cho hai dự án sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có thể ảnh hưởng đến dòng tiền và gây áp lực lên biên lợi nhuận của ACV trong năm 2023.

Bên cạnh đó, VCBS cho rằng năm 2023, ACV có thể gặp thách thức lớn là rủi ro trong chính sách mở cửa du lịch của Trung Quốc với Việt Nam. Hiện tại, khách từ đất nước tỷ dân này tới Việt Nam chủ yếu là nhóm khách công vụ, thương nhân, du học sinh và mới chỉ chiếm khoảng 10%. Trong khi đó, nhóm khách du lịch đi theo đoàn lớn mới là động lực tăng trưởng chính cho ngành hàng không.

Ngoài ra, đơn vị phân tích dự báo, nhu cầu hàng không nội địa có thể chững lại trong năm 2023 so với mức nền cao của năm trước.

Minh Hằng