Ngành công nghiệp châu Âu đứng trước sức ép của khủng hoảng năng lượng
Các ngành công nghiệp lớn đứng trước sức ép cắt giảm sản lượng và điều này đang đe dọa quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Áp lực cắt giảm hoạt động sản xuất
Trong bối cảnh giá điện liên tục đạt những mức cao kỷ lục mới, các ngành công nghiệp ở châu Âu đang phải chịu ngày càng nhiều áp lực, nhất là các ngành công nghiệp sản xuất kim loại và phân bón.
Aluminum Dunkerque Industries France, nhà sản xuất nhôm lớn nhất châu Âu, đã phải giảm sản lượng trong hai tuần vừa qua. Công ty khai khoáng Nyrstar thuộc tập đoàn kinh doanh hàng hóa Trafigura cũng sẽ tạm ngừng sản xuất kẽm tại Pháp vào đầu tháng 1/2022, trong khi nhà sản xuất phân bón Azomures phải tạm thời ngừng mọi hoạt động.
Cuộc khủng hoảng năng lượng này tại châu Âu nghiêm trọng tới mức giá khí đốt tại khu vực này đã tăng hơn 800% và giá điện tăng 500%. Tình hình đang trở nên khó khăn hơn khi Nga quyết định giảm bớt lượng khí đốt xuất khẩu tới châu Âu bất chấp những tháng lạnh nhất của mùa Đông tại khu vực này đang tới gần.
Thực trạng này khiến nền công nghiệp châu Âu đứng trước nguy cơ phải gánh chịu những hậu quả lâu dài trong bối cảnh biến thể Omicron đang tiếp tục lây lan trên toàn châu lục.
Sarah Hewin, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường châu Âu và các nước châu Mỹ tại Standard Chartered trong một buổi phỏng vấn với Bloomberg TV, đã phát biểu: “Giá khí đốt tăng cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các hộ gia đình và doanh nghiệp. Đợt leo thang giá khí đốt gần đây là yếu tố vô cùng tiêu cực đối với triển vọng của các nền kinh tế châu Âu, và cả nước Anh”.
Ngành công nghiệp sản xuất nhôm là ngành công nghiệp luyện kim tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Giá điện tăng vọt tại châu Âu đã buộc Aluminum Dunkerque phải giảm 3% sản lượng.
Theo người đại diện Laurent Geerart, Aluminum Dunkerque đã bị lỗ khoảng 20 triệu euro (tương đương 22,6 triệu USD) tính từ đầu tháng 11/2021 tới nay. Nếu giá điện tiếp tục ở mức “trên trời” như hiện nay, họ có thể phải tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Bên cạnh đó, công ty Nyrstar cũng sẽ đưa một nhà máy luyện kẽm tại Pháp vào bảo trì và ngừng hoạt động trong tuần đầu tiên của tháng 1/2022, trong khi các cơ sở khác tại Bỉ và Hà Lan sẽ tiếp tục hoạt động nhưng với công suất giảm.
Theo các phương tiện truyền thông địa phương tại một số nước châu Âu, Alro - một cơ sở luyện kim tại Romania - cho biết, giá điện hiện có nhiều biến động. Tại Montenegro, nhà máy luyện kim KAP có thể sẽ bị cắt điện vào cuối năm 2021 nếu cơ sở này không chấp nhận trả tiền điện trong năm tới cao hơn đáng kể so với hiện tại.
Ảnh hướng đến giá lương thực
Chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ. Nhà sản xuất phân bón lớn số một Romania là Azomures - công ty con của công ty kinh doanh ngũ cốc Ameropa (Thụy Sỹ) - cho biết các cơ sở của họ đã phải ngừng hoạt động và người nông dân sẽ không thể mua được phân bón của họ với mức giá cao ngất ngưởng.
Công ty Yara International của Na Uy đã phải giảm sản lượng vào đầu năm nay và cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình trước khi đưa ra các quyết định thay đổi sản lượng nếu cần thiết.
Anne-Sophie Corbeau, học giả nghiên cứu tại Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia, cho biết: “Tình hình hiện tại sẽ gây ảnh hưởng đến giá lương thực không chỉ ở các nước châu Âu, mà cả rất nhiều nước trên toàn thế giới”.
Thủ tướng Italy Mario Draghi đã khẳng định cần phải hành động ngay lập tức để đối phó với giá điện tăng cao. Trong số 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU), 20 nước đã bắt đầu đưa ra những chính sách nhằm giúp đỡ người tiêu dùng và hộ gia đình chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất.
Ông Draghi cũng đã phát biểu trước các phóng viên vào ngày 22/12 rằng Ủy ban châu Âu (EC) đang tìm kiếm giải pháp, và các quốc gia cần có những chính sách ứng phó cũng như biện pháp hỗ trợ các gia đình và các doanh nghiệp.
Các nhà máy sản xuất nhôm thường hạn chế giảm sản lượng vì chi phí tắt lò luyện và tái khởi động để đạt được sản lượng ban đầu là rất lớn. Mặc dù những khách hàng tiêu thụ điện lớn nhất này thường có những phương pháp giảm thiểu rủi ro dài hạn, nhưng việc giá điện leo thang ảnh hưởng đến họ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Cơn khủng hoảng mang tính sống còn
Mark Hansen, Giám đốc điều hành tại công ty kinh doanh kim loại Concord Resources Ltd. cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng mang tính sống còn của ngành công nghiệp luyện nhôm ở châu Âu cũng như những ngành công nghiệp luyện kim tiêu tốn nhiều năng lượng khác.
Việc khôi phục sản lượng trở lại mức bình thường không phải là một vấn đề đơn giản. Quá trình này không dễ dàng như tắt bật một chiếc công tắc”.
Giá nhôm đã tăng hơn 40% trong năm 2021 và nhu cầu sử dụng nhôm tại khu vực châu Âu vẫn đang tăng, nhưng biên lợi nhuận của ngành đang bị giảm do giá điện ở mức cao. Theo giá điện trung bình tại Pháp, để sản xuất 1 tấn nhôm có giá 2.800 USD/tấn thì cần tiêu thụ một lượng điện có mức chi phí lên tới 11.000 USD.
Các nhà máy luyện nhôm tại châu Âu chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường nhôm toàn cầu, nhưng các cơ sở này mang lại việc làm cho hàng nghìn công nhân và là nguồn thuế lớn cho ngân sách nhà nước.
Theo ông Hansen, việc giảm sản lượng của các nhà máy này có thể sẽ buộc châu Âu phải phụ thuộc vào nguồn kim loại nhập khẩu từ các quốc gia sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
Sự phụ thuộc đó sẽ càng gây ra nhiều cản trở đối với những công ty tiêu thụ nhôm như các nhà sản xuất ô tô và máy bay nếu như EU áp đặt mức thuế cao đối với các sản phẩm phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất.
Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu dự kiến sẽ trầm trạng hơn trong năm 2022 do thời tiết lạnh hơn và Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) buộc phải dừng hoạt động của một số lò phản ứng.
Vào đầu tháng 1/2022, Pháp sẽ mất đi 30% sản lượng điện hạt nhân; điều này có thể làm gia tăng sự phụ thuộc vào khí đốt, than và thậm chí là dầu cho những nhu cầu tiêu thụ điện dù là nhỏ nhất.
Bà Corbeau cho biết, nếu như tình trạng gián đoạn nguồn cung hay thời tiết lạnh giá tiếp tục xảy ra trong quý I/2022, chúng ta sẽ buộc phải đóng cửa các nhà xưởng. Quyết định này chắc chắn không thể thay đổi, vì chính phủ không thể để người dân phải chịu lạnh và bị mất điện.