'Ngành chăn nuôi sẽ không chịu tổn thất lớn khi EVFTA có hiệu lực'
Nhu cầu tiêu dùng thịt nóng
Khi Hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 85,6% số dòng thuế đối với hàng hóa Việt Nam, tương ứng với 70,3% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Hiện, chỉ có hơn 42% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế suất 0% theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% các dòng thuế, tương đương 99,7% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Đối với các mặt hàng còn lại, EU cam kết cung cấp cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu bằng 0%.
Ông Trần Quốc Khánh cho rằng, về các mặt hàng hóa nói chung, cơ cấu xuất khẩu hàng EU mang tính bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh trực tiếp với những sản phẩm Việt Nam.
Trong khi đó, với một số ngành hàng như dược phẩm, sữa và chăn nuôi sẽ phải đối mặt với áp lực cạnhtranh gia tăng từ các sản phẩm nhập khẩu từ EU khi EVFTA có hiệu lực.
Cụ thể với thịt heo đông lạnh sẽ được miễn thuế sau 7 năm, thực phẩm chế biến sau 7 năm và thuế suất đối với thịt gà sẽ giảm dần về 0% trong 10 năm.
Hiện, các sản phẩm chăn nuôi của EU xuất khẩu sang Việt Nam chịu mức thuế từ 10-40%.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông lâm thuỷ sản, Việt Nam nhập khẩu 1,7 tỷ USD các sản phẩm chăn nuôi, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Dù vậy, ông Trần Quốc Khánh đánh giá, nhu cầu tiêu thụ thịt đông lạnh trong thời gian qua cho thấy, thói quen tiêu dùng cần thêm nhiều thời gian mới có thể thay đổi.
“Thời gian qua nhận thấy một sự thật rõ ràng, dù thịt lợn nhập khẩu rẻ hơn rất nhiều so với thịt nội địa nhưng người dân không ăn vì thói quen tiêu dùng thịt nóng, thịt không quá nhiều nạc”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói và cho rằng, sẽ có một số bộ phận người tiêu dùng sử dụng thịt nhập khẩu nhưng đa phần người dân vẫn sử dụng thịt lợn được nuôi tại thị trường nội địa.
Mức độ cạnh tranh trong ngành chăn nuôi khi EVFTA có hiệu lực được dự đoán ở mức độ “vừa phải và đủ sức ép cho ngành chăn nuôi đổi mới nhưng không mạnh đến mức độ gây ra tổn thất lớn”.
“Một số mặt hàng khác có lộ trình giảm thuế dài khoảng 10 năm và thậm chí một số trường hợp kéo dài hơn 10 năm. Lộ trình dài để doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu”, ông Trần Quốc Khánh nói.
4 lời khuyên cho doanh nghiệp muốn nắm bắt cơ hội từ EVFTA
Thứ nhất, chủ động nghiên cứu các Hiệp định, tùy vào đặc thù sản phẩm doanh nghiệp và lượng sức trong khả năng nắm bắt cơ hội.
Nếu không thể tự làm, doanh nghiệp có thể chủ động tìm đến công ty tư vấn thay vì trông chờ Nhà nước hướng dẫn.
Thứ hai, để nắm bắt được cơ hội xuất khẩu, doanh nghiệp phải đáp ứng quy tắc xuất xứ. Khi hiểu về quy tắc xuất xứ mới có thể tìm nguồn nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn.
Thứ ba, toàn cầu hóa hay tự do hóa thương mại nói chung đều có những mặt trái như hàng loạt tiêu chuẩn kỹ thuật từ thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh,… được dựng lên.
Đôi lúc, đó là rào cản trá hình mà doanh nghiệp phải tìm hiểu để nhận diện.
Ông Khánh lý giải, quốc gia nào cũng có điểm yếu riêng và buộc phải bảo vệ rất kỹ điểm yếu của mình thông qua các rào cản, kể cả những nước thường xuyên ca ngợi tự do hóa thương mại như Hoa Kỳ, EU. Đó là lý do vì sao đến nay, “không ai bán được các sản phẩm đường vào Hoa Kỳ”.
“Doanh nghiệp hãy đi qua châu Âu gặp gỡ các nhà nhập khẩu, tìm kiếm các Hiệp hội ngành hàng tìm kiếm cơ hội hơn là ngồi ở Việt Nam chờ họ đến. Ngồi đợi cũng không nhận được phản hồi của người tiêu thụ sản phẩm như thế nào để điều chỉnh chất lượng, bao bì sản phẩm”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đưa ra lời khuyên cuối cùng với kỳ vọng doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong tìm kiếm khách hàng.