Ngân hàng phát hành trái phiếu quốc tế: Tại sao lựa chọn thời điểm này?
Ảnh minh họa (Nguồn: VPBank)
Qui mô huy động lên tới cả tỉ USD
Huy động vốn từ thị trường quốc tế là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp, ngân hàng trong nước bởi vì đây là một nguồn cung cấp vốn lớn, có giá rẻ và có thể nhận được nhiều ưu đãi và hỗ trợ đi kèm.
Phát hành trái phiếu ra quốc tế là một trong những hình thức được các tổ chức trong nước lựa chọn để gọi vốn. Tuy nhiên, số lượng thành công lại không quá nhiều đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng.
Trong thời gian gần đây, hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế của các ngân hàng bất ngờ trở nên sôi động với sự tham gia của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần.
Mới nhất, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã chính thức thông qua phương án phát hành và niêm yết trái phiếu quốc tế với tổng giá trị lên tới 1,12 tỉ USD. Bao gồm 1 tỉ USD trái phiếu quốc tế theo chương trình phát hành Euro Medium Term Note có kì hạn từ 3 - 5 năm và phát hành riêng lẻ 120 triệu USD trái phiếu doanh nghiệp xanh (Green Bond) có kì hạn 3 năm.
Ngân hàng còn lên kế hoạch niêm yết trái phiếu Euro Medium Term Note trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore.
Cũng trong tháng 6, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã xin ý kiến cổ đông về việc phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế, thời gian dự kiến từ ngày 28/6 đến 12/7.
Trong tháng 10/2018, VIB cũng đã thông qua qua phương án phát hành 200 triệu USD, tương đương 4.500 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được đảm bảo bằng tài sản. Kì hạn trái phiếu từ trên 5 năm đến tối đa 10 năm.
Trước đó, vào cuối tháng 9/2018, HDBank cũng đã xin ý kiến cổ đông về việc phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi kì hạn 5 năm 1 ngày với lãi suất cố định cho dưới 100 nhà đầu tư.
Trên thực tế những con số trên vẫn đang nằm trên kế hoạch và chưa có ngân hàng nào phát hành thành công trái phiếu quốc tế. Tuy nhiên, việc các ngân hàng "hé mở" cánh cửa thu hút vốn từ nguồn này hứa hẹn một tương lai khả quan hơn cho việc thu hút vốn từ trái phiếu quốc tế.
Vì sao các ngân hàng chọn thời điểm này để phát hành trái phiếu quốc tế?
Theo nhận định trong báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB): "Các thị trường trái phiếu của khu vực đang giữ vững đà tăng, song những rủi ro vẫn tiềm ẩn bất lợi".
Tính tới cuối tháng 3/2019, đã có 15 nghìn tỉ USD trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành trên thị trường mới nổi ở Đông Á, tăng 2,9% so với cuối năm 2018 và nhiều hơn 14% so với thời điểm cuối tháng 3/2018. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành là 5,8 nghìn tỉ USD, tăng 14,2% so với cùng kì năm trước.
Riêng trong quí I/2019, giá trị trái phiếu phát hành trong khu vực đã tăng lên tới 1,4 nghìn tỉ USD trong quí I, cao hơn 10% so với quí IV/2018. (Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Hàn Quốc , Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam)
Lãi suất trái phiếu toàn cầu xuống thấp kỉ lục
Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình quốc gia (VTV), ông Alwaleed Alatabanni, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế Giới (WB) tại Việt Nam, cho biết lãi suất thị trường trái phiếu toàn cầu đang ở mức thấp kỉ lục và do đó tại các thị trường cận biên như Việt Nam, các doanh nghiệp các xếp hạng tín nhiệm tốt sẽ có sức hút đặc biệt đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Theo cập nhật mới nhất, lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ đã giảm xuống còn 1,97% vào ngày 20/6 (mức thấp nhất kể từ năm 2016) khi giới đầu tư kì vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm 0,25 điểm % lãi suất cơ bản tại cuộc họp tháng 7.
Lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 (Nguồn: CNBC)
Bên cạnh yếu tố hỗ trợ từ thị trường quốc tế, các chuyên gia cho rằng xu hướng phát hành trái phiếu của các ngân hàng còn xuất phát từ nhu cầu tăng vốn trở nên cấp bách hơn bao giờ hết trong năm 2019, khi thời điểm áp dụng Basel II đến gần. Trong khi đó, bất chấp nhiều nỗ lực, vốn của các ngân hàng gần như không có sự thay đổi đáng kể thời gian qua.
Nhận định về xu hướng phát hành trái phiếu quốc tế trong thời gian gần đây, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn cao cấp Ngân hàng Quốc dân, cho rằng lí do đầu tiên xuất phát từ nhu cầu tăng vốn tự có và cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng.
Hơn nữa, việc tìm kiếm nguồn vốn ngoại tệ kì hạn dài còn giúp các ngân hàng tăng được nguồn vốn trung và dài hạn. Tỉ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dự kiến sẽ tiếp tục giảm về 30% trong giai đoạn 2021 - 2022, do đó nhu cầu vốn trung và dài hạn của các ngân hàng vẫn rất cấp thiết, đặc biệt tại các ngân hàng có tỉ trọng tín dụng bán lẻ cao.
Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu quốc tế tỏ ra ưu thế hơn trái phiếu trong nước khi giúp ngân hàng thu về nguồn vốn bằng ngoại tệ, nhất là khi huy động ngoại tệ trong nước là không dễ dàng trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang bị áp trần lãi suất huy động USD ở 0%.
Không chỉ vậy, việc các ngân hàng phát hành trái phiếu quốc tế có lợi hơn về mặt lãi suất, trên thị trường quốc tế thường thấp hơn lãi suất VND trong nước.
Hỗ trợ từ tỷ giá?
Trong việc phát hành trái phiếu quốc tế, ngoài chi phí lãi suất phải trả định kì thì các doanh nghiệp đi vay cũng phải đối mặt với nguy cơ mất giá của VND so với đồng USD. Do đó, một số ý kiến cũng cho rằng hiện tại hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế đang được hỗ trợ trên phương diện tỷ giá.
Trong những năm gần đây, tỷ giá USD/VND trong nước được nhà điều hành kiểm soát ổn định với mức mất giá chính thức mỗi năm không quá 2%.
Bên cạnh đó, việc NHNN liên tục phát đi các cam kết ổn định tỷ giá cùng với với dự trữ ngoại hối ở mức kỉ lục đang tạo ra niềm tin lớn cho các doanh nghiệp muốn huy động nguồn vốn bằng ngoại tệ. Đặc biệt là trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế đang có dấu hiệu suy yếu mạnh sau khi Fed đưa khả năng đảo ngược chính sách lãi suất tại các cuộc họp sắp tới.