Nga ra lệnh rút quân khỏi thành phố chiến lược Kherson
Rút lui khỏi Kherson
Ngày 9/11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ra lệnh cho quân rút khỏi bờ tây sông Dnipro gần thành phố chiến lược Kherson. Đây là một bước lùi lớn đối với Moscow và có thể là bước ngoặt tiềm tàng của cuộc chiến.
Ukraine phản ứng một cách thận trọng với thông báo mới của Nga. Họ cho biết một số binh lính Nga vẫn nán lại Kherson và Moscow đã cử thêm quân đến khu vực này, theo thông tin từ tờ Reuters.
Ông Mykhailo Podolyak - cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, chia sẻ trong một tuyên bố với Reuters: “Trước khi lá cờ Ukraine bay phất phới ở Kherson, bàn về việc Nga rút quân không mang ý nghĩa gì”.
Kherson là thành phố lớn duy nhất mà Nga chiếm được kể từ khi động binh với nước láng giềng kể từ cuối tháng 2. Do đó, Kherson cũng là trọng tâm cho cuộc phản công của quân đội Ukraine.
Thành phố này kiểm soát cả tuyến đường bộ duy nhất đến bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014 và cửa sông Dnipro - con sông ngăn đôi Ukraine. Các quan chức do Nga cài cắm đã sơ tán hàng chục nghìn dân thường trong những tuần gần đây.
Kherson là một trong 4 khu vực mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố hồi tháng 9 rằng ông đã sáp nhập vào Nga “mãi mãi”. Đây còn là một khu vực mà Moscow khẳng định đã đặt dưới ô hạt nhân của họ.
Trong các bình luận trên truyền hình, Tướng Sergei Surovikin - tổng chỉ huy của cuộc chiến, đã báo cáo với Bộ trưởng Shoigu rằng Nga không thể tiếp tế cho quân ở Kherson được nữa. Ông đề xuất xây dựng các tuyến phòng thủ bên bờ sông Dnipro.
Ông Shoigu nói với Tướng Surovikin: “Tôi đồng ý với kết luận và đề xuất của anh. Đối với chúng ta, tính mạng và sức khoẻ của quân nhân Nga luôn là ưu tiên hàng đầu. Chúng ta phải tính đến các mối đe doạ đối với dân thường nữa”.
“Tiến hành rút quân và thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo cuộc chuyển giao quân lực, vũ khí và thiết bị qua sông Dnipro một cách an toàn”, Bộ trưởng Shoigu ra lệnh.
“Từng bước một”
Các lực lượng Ukraine đang “từng bước một” củng cố vị trí của mình ở phía nam, Tổng thống Zelensky cho hay trong một bài diễn văn tối ngày 9/11.
“Chúng ta đón rất nhiều tin vui trong ngày hôm nay...”, ông Zelensky nói, nhắc đến Kherson một lần trong bài phát biểu dài 5 phút. “...nhưng kẻ thù sẽ không tặng quà cho chúng ta [nên đừng lơ là]”, vị tổng thống nhắc nhở.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng lệnh rút khỏi Kherson của Moscow là “bằng chứng cho thấy họ có một số vấn đề thực sự lớn đối với quân đội Nga”.
Ông hy vọng rằng sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine.
Nên cẩn trọng
Tuyên bố định kỳ vào buổi tối của quân đội Ukraine hôm 9/11 không đề cập trực tiếp đến khu vực Kherson hay thủ đô Kiev.
Theo tuyên bố, quân Nga đã pháo kích vào hơn 25 thị trấn và làng mạc ở mặt trận phía nam dọc theo đường liên lạc, và thực hiện hơn 50 cuộc trinh sát bằng máy bay không người lái.
Tuy nhiên, nhà lập pháp Ukraine David Arakhamia - người dẫn đầu phái đoàn Kiev tại các cuộc đàm phán hoà bình, cho rằng chiến dịch quân sự tại Kherson vẫn đang diễn ra.
Ông mô tả tình hình của quân Nga là rất nguy cấp và nói “sớm hay muộn gì, họ cũng sẽ rời Kherson, Donetsk, Luhansk và Sevastopol (ở Crimea) hoặc nếu không sẽ bị tiêu diệt”.
Theo các chuyên gia quân sự, nếu các lực lượng Ukraine chiếm lại toàn bộ bờ tây của sông Dnipro, pháo tầm xa do Mỹ cung cấp và nhiều bệ phóng tên lửa HIMARS có thể tấn công vào các căn cứ và vị trí hậu cần của Nga ở bờ đông.
Song, quân Ukraine có thể sẽ phải đối mặt với vô số cạm bẫy bom và có thể bị nhắm mục tiêu bởi các đợt pháo kích càn quét dữ dội của Nga.
Trong chuyến thăm tới London, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã hoan nghênh tin tức mới nhất từ Kherson nhưng cũng lưu ý Ukraine nên thận trọng.
Trao đổi với Sky News, ông nói: “Chúng ta không nên đánh giá thấp Nga, họ vẫn còn năng lực quân sự. Chúng ta đã thấy máy bay không người lái, chứng kiến các cuộc tấn công bằng tên lửa, điều đó chứng tỏ Nga vẫn có thể gây rất nhiều thiệt hại”.