Năm 2019, cảng hạ nguồn hưởng lợi gọi tên doanh nghiệp vận tải biển
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tại Hải Phòng, cửa khẩu container lớn nhất phía Bắc, các hãng tàu quốc tế sẽ tiếp tục di chuyển đến các cảng gần biển. Các cảng thượng nguồn sẽ cần tìm khách hàng nội địa mới.
Các hãng tàu lớn đã liên tục tăng kích thước tàu trung chuyển của họ để cắt giảm chi phí trên mỗi container, điều đó có nghĩa là mớn nước (phần thuyền chìm trong nước) và chiều dài tổng thể của tàu cũng được tăng lên. Do đó, các cảng ở hạ nguồn có luồng sâu hơn và vũng quay tàu lớn hơn sẽ là những người hưởng lợi chính.
Cụm cảng nước sâu ở Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu) dự kiến sẽ trở thành cửa khẩu container quan trọng ở khu vực phía Nam. Sau một thời gian dài với hiệu suất hoạt động thấp, trên thực tế, khối lượng container năm 2017 tại khu vực này đã tăng gấp ba so với 2011 và đạt 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 20% sản lượng container của Việt Nam.
Với đặc điểm của một cụm cảng nước sâu, khu vực này có lợi thế có thể tiếp nhận các tàu trọng tải lớn đến 200.000 DWT. Trong xu hướng các hãng luôn muốn sử dụng các tàu có kích thước lớn để vận chuyển hàng hóa, VDSC cho rằng nhu cầu tại khu vực này sẽ khả quan trong vài năm tới.
Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể giúp Việt Nam tăng khả năng giành thị phần từ Trung Quốc như một trung tâm sản xuất do sở hữu nguồn lao động tương đối rẻ, môi trường chính trị ổn định và các chính sách thương mại mở.
Nguồn: Báo cáo của VDSC |
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đối với các hàng hóa mà Trung Quốc đã bị đánh thuế (gỗ, dệt may và giày dép) tăng trưởng với tốc độ cao hơn so với mọi năm. Xu hướng này có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu vận chuyển quốc tế đến Việt Nam, do đó cũng tăng cường lượng container thông quan nhờ các sản phẩm này chủ yếu được vận chuyển qua đường biển.
Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 54/2018/TT-BGTVT, qua đó điều chỉnh khung giá một loạt các dịch vụ tại cảng biển Việt Nam, trong đó có dịch vụ bốc dỡ container. Thông tư sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2019. Theo đó, giá sàn theo quy định mới sẽ cao hơn 10% so với giá sàn hiện tại (bằng với giá thị trường do cung vượt cầu) cho các cảng biển phía Bắc (không bao gồm HICT ở Lạch Huyền).
Điều này sẽ giúp tăng thu nhập của các cảng hạ lưu ở Hải Phòng bằng cách phá vỡ xu hướng giảm giá dịch vụ do cạnh tranh khắc nghiệt ở khu vực này. Ở miền Nam, khung được giữ nguyên, ngoại trừ các bến tại Cái Mép - Thị Vải (tăng 13% mỗi TEU).
Tuy nhiên, dòng vốn FDI đang chậm lại. Việc phụ thuộc quá nhiều vào FDI sẽ khiến nền kinh tế chịu rủi ro nếu hoạt động của các doanh nghiệp FDI trở nên trì trệ. Đồng thời, vấn đề dư cung tại Hải Phòng có thể dẫn đến các nhà khai thác cảng không được hưởng lợi hoàn toàn từ việc nâng giá bốc dỡ container.
Ngoài ra, các hoạt động nạo vét chậm trễ dẫn đến không đảm bảo độ sâu luồng, dẫn đến giảm lượng hàng hóa qua cảng.
Nguồn: Báo cáo từ VDSC |
Gemadept có thể mang về hơn 3.000 tỉ doanh thu năm 2019
Cảng Nam Đình Vũ đã bổ sung 500.000 TEU/năm về công suất của cụm cảng thuộc Công ty Cổ phần Gemadept (Mã: GMD - Gemadept) tại Hải Phòng (khu vực hạ nguồn sông Bạch Đằng), trong khi các đối thủ tại đây đang gặp phải vấn đề quá tải. VDSC cho rằng tiềm năng để Nam Đình Vũ lấp đầy công suất trong dài hạn là khả quan, vì các cảng thượng nguồn sẽ dần mất thị phần container quốc tế cho các cảng tại hạ nguồn và tăng trưởng khối lượng container qua cảng Hải Phòng tiếp tục duy trì ổn định.
VDSC kỳ vọng năm 2019, doanh thu công ty sẽ tăng 12%, đạt 3.009 tỷ đồng, dẫn dắt bởi tăng trưởng 14% từ sản lượng container (khoảng 1,6 triệu TEU). Việc xây dựng cảng Gemalink và giai đoạn 2 của cảng Nam Đình Vũ sẽ được bắt đầu trong năm 2019 và bổ sung khoảng 1,6 triệu TEU công suất vào năm 2020.
Lợi nhuận từ các công ty liên kết có thể đạt 174 tỷ đồng, tăng 39%. Trong đó, SCS tiếp tục là công ty liên kết đóng góp lợi nhuận chính. Thoái vốn thành công từ các hoạt động không cốt lõi (cao su và bất động sản) sẽ là chất xúc tác. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra trong năm 2019.
Viconship có thể tăng thị phần năm 2019 lên 20%
Những năm gần đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (Mã: VSC -Viconship) đã chứng kiến mức tăng trưởng nhanh nhất về sản lượng container so với các đối thủ khác tại Hải Phòng. Cùng với Gemadept, Viconship sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi từ giá bốc dỡ container cao hơn khi có hiệu lực từ năm 2019.
Xu hướng các hãng tàu quốc tế sử dụng tàu lớn hơn mang lại lợi thế cho các cảng gần biển như VIP Green vì có thể tiết kiệm thời gian của khách hàng và phục vụ được các tàu có trọng tải lớn lên đến 30.000 DWT. VDSC kỳ vọng Viconship sẽ tăng thị phần tại Hải Phòng lên khoảng 20% trong năm 2019, từ 17% năm 2017.
Viconship có thể thu hút thêm hãng tàu mới có thỏa thuận chia sẻ vận chuyển container với Evergreen. Cũng nhờ vào điều này, Yang Ming và TS Lines trở thành khách hàng mới của cảng VIP Green Port trong năm 2018. Cảng này đã gần đạt đến mức giới hạn số lượng tàu cập cảng mỗi tuần.
Thông tư mới sẽ quy định mức giá bốc dỡ container cao hơn. Khung giá bốc dỡ container xuất/nhập khẩu sẽ tăng 10% so với giá hiện tại và có hiệu lực vào tháng 1/2019. Phần lớn lượng hàng mà Viconship phục vụ là container xuất/nhập khẩu, do đó Viconship sẽ hưởng lợi từ thông tư này.
VDSC ước tính lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ 2019 sẽ đạt 315 tỷ đồng (tăng trưởng 7% so với năm trước). Duy trì hiệu suất hoạt động cao ở cả hai cảng VIP Green và cảng Green, sản lượng có thể đạt 744.000 TEU (tăng trưởng 5%) đối với cảng VIP Green và 312.000 (giảm 8%) đối với cảng Green. Do đó, tổng sản lượng của hai cảng VIP Green và Green dự kiến đi ngang, vào khoảng hơn 1 triệu TEU.