Mỹ thu hẹp lệnh cấm với nông sản từ Tân Cương (Trung Quốc)
Ông Kenneth Cuccinelli - quyền Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ, cho biết các "lệnh hủy nhập khẩu (WRO)" mới đối với bông, hàng dệt may, sản phẩm tóc và linh kiện máy tính là nhằm chống lại việc Trung Quốc sử dụng sức lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Chia sẻ với phóng viên tại một cuộc họp trực tuyến, ông Cuccinelli cho hay chính phủ Mỹ đang tiến hành phân tích pháp lí sâu hơn về các lệnh cấm nhập khẩu trong toàn khu tự trị trên.
Tuần trước, Reuters dẫn lời các quan chức thuộc cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) cho biết họ đang chuẩn bị lệnh cấm qui mô lớn hơn đối với bông, vải dệt bông và cà chua, bên cạnh các qui định được công bố hôm 14/9. Bông, vải dệt bông và cà chua là ba trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.
Ngày 14/9, quyền Giám đốc Mark Morgan của CBP cho hay cơ quan này vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các lệnh cấm áp dụng cho toàn khu tự trị Tân Cương.
Hai nguồn tin thân cận của Reuters nói một số quan chức cấp cao như Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Sonny Perdue đã nêu ra những lo ngại về các lệnh cấm qui mô lớn và ảnh hưởng của chúng lên chuỗi cung ứng.
Trung Quốc đã đồng ý mua một lượng lớn vải bông của Mỹ theo điều khoản của thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Giao dịch này có thể gặp rủi ro vì lệnh cấm của Mỹ đối với các mặt hàng xuất khẩu từ Tân Cương - khu vực sản xuất bông hàng đầu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Cuccinelli cho hay các lo ngại về pháp lí đã thúc đẩy chính phủ Mỹ nghiên cứu sâu hơn về lệnh cấm nhập khẩu cho toàn khu tự trị Tân Cương chứ không phải vấn đề thương mại.
"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng khi bị khởi kiện, và thực chất chính phủ Mỹ có giả định về trường hợp này, chúng tôi vẫn sẽ thắng thế và không có mặt hàng nào mà chúng tôi thu giữ theo lệnh WRO có thể lách luật và tuồn vào nước Mỹ", ông Cuccinelli nói.
Dựa theo luật pháp lâu đời của nước Mỹ, lệnh WRO cho phép CBP giam giữ các lô hàng nghi là liên quan đến sức lao động cưỡng ép để chống lại hành vi buôn người, sử dụng lao động trẻ em và các hành vi vi phạm nhân quyền khác.
Bên bán có thể gửi sản phẩm đến các nước khác hoặc tìm cách chứng minh sản phẩm không do sức lao động cưỡng ép tạo ra.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ sẽ cấm toàn bộ sản phẩm được tạo ra từ sức lao động con người ở Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Kĩ năng nghề số 4 của Hạt Lop; sản phẩm tóc từ Khu Công nghiệp Sản phẩm Tóc của Hạt Lop; quần áo do công ty Yili Zhouwan Garment Manufacturing và Baodung LYSZD Trade and Bussiness sản xuất; bông do Xinjiang Junggar Cotton and Linen sản xuất và chế biến; và linh kiện máy tính do Hefei Bitland Information Technology sản xuất.
Chính quyền Tổng thống Trump đang gia tăng sức ép lên Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh sử dụng lao động cưỡng bức tại khu tự trị Tân Cương. Trước đó, Liên Hợp Quốc từng trích dẫn một báo cáo cho biết khoảng 1 triệu người Hồi giáo đang bị giam giữ trong các trại tị nạn đã được đưa vào làm việc, chế tạo sản phẩm.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã đề cập đến tuyên bố trước đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bác bỏ các cáo buộc sử dụng sức lao động cưỡng bức tại Tân Cương và chỉ trích chính phủ Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc ở khu tự trị Tân Cương.