Mỹ sẽ vượt Arab Saudi và Nga trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới
EIA: Sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ lên cao kỷ lục trong năm 2018 |
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản xuất dầu thô của Mỹ đang trên đường vượt qua Arab Saudi và cạnh tranh với Nga, sau khi cơ quan này nâng dự báo tăng trưởng năm 2018 và nhấn mạnh rằng sự bùng nổ của dầu đá phiến sét đã cân bằng việc OPEC giảm nguồn cung.
Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng được theo dõi chặt chẽ công bố hôm 19/1, IEA cho biết tăng trưởng sản xuất đã quay trở lại những ngày sôi động trong giai đoạn năm 2013-2015, ngay cả khi cơ quan này cho rằng cung và cầu toàn cầu sẽ cân bằng trở lại trong năm nay.
IEA cũng nâng dự báo của Mỹ sau khi bộ phận thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ và đơn vị nghiên cứu của Opec tiến hành hoạt động tương tự.
“Năm nay chắc chắn sẽ là năm sản lượng dầu của Mỹ đạt kỷ lục”, IEA cho biết.
Sự tăng trưởng gần 1,4 triệu thùng/ngày lên mức kỷ lục 10.4 triệu thùng/ngày của Mỹ sẽ làm tăng nguồn cung từ các quốc gia không thuộc OPEC lên 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2018. Tổng sản lượng ở bên ngoài OPEC được dự báo đạt 59,8 triệu thùng/ngày.
Ảnh minh họa. |
Các quốc gia sản xuất dầu lớn đã lo ngại sự tăng giá trong những tuần gần đây, lên mức cao nhất năm 2014 là khoảng 70 USD/thùng, có thể gây ra tình trạng dưa thừa nguồn cung mới từ các doanh nghiệp dầu đá phiến, làm hỏng nỗ lực của các nhà sản xuất toàn cầu trong việc hạn chế sản lượng.
Những quốc gia thành viên OPEC và các nước đồng minh bên ngoài tổ chức như Nga đã thống nhất hồi cuối năm ngoái sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung cho cả năm 2018, khi họ tìm cách giảm lượng dầu trong các kho dự trữ và thúc đẩy giá tăng.
Việc sản lượng của Venezuela giảm mạnh xuống còn một nửa mức đạt được năm 1999 ở khoảng 1,6 triệu thùng/ngày. Điều này đã giúp hạn chế sản xuất của OPEC ở mức 32,2 triệu thùng/ngày vào tháng trước.
"Tuy nhiên, tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm cao kỷ lục bị cân bằng bởi sự gia tăng đáng kể trong sản xuất của Mỹ, bù lại khoảng 60% mức giảm sản lượng thực tế”, IEA cho biết.
Các công ty Mỹ đã thu được lợi nhuận từ việc cắt chi phí thông qua sự suy thoái gần đây của ngành công nghiệp, đồng thời tăng cường các hoạt động đặt giàn khoan và các biện pháp hiệu quả.
Mặc dù vậy, IEA nhận định nếu OPEC và Nga duy trì sự tuân thủ đối với cam kết, thì cung – cầu trên thị trường dầu sẽ được cân bằng trong cả năm, với nửa đầu năm thặng dư nhẹ, và nửa cuối nămthâm hụt.
Nguồn cung dầu toàn cầu trong tháng 12/2017 giảm 405.000 thùng/ngày xuống 97,7 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, IEA duy trì dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu cho năm 2018 ở mức 1,3 triệu thùng/ngày, với tổng lượng tiêu dùng dự kiến ở mức 99,1 triệu thùng/ngày.
IEA nói thêm rằng đà tăng giá gần đây có thể vẫn được duy trì. Giá dầu thô Brent tăng gần 10% kể từ khi OPEC và các đồng minh đồng ý kéo dài thỏa thuận giảm sản xuất.
"Những sự kiện địa chính trị bất ổn và viễn cảnh sôi động của thị trường dầu đá phiến Mỹ cho chúng ta thấy một năm đầy biến động", IEA nói.