|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ ra đòn thương mại, Hong Kong sẽ đáp trả thế nào?

20:00 | 22/08/2020
Chia sẻ
Hơn 30 năm sau ngày tham gia hệ thống thương mại quốc tế, Hong Kong đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mang tính sống còn sau khi Mỹ tước đặc quyền thương mại và buộc hàng hóa phải dán nhãn "Made in China".

Năm 1986, Hong Kong trở thành thành viên độc lập của Hiệp ước chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT). Đến năm 1995, Hong Kong chính thức gia nhập WTO.

Năm 2020, đáp lại luật an ninh quốc gia mới mà Trung Quốc áp dụng với Hong Kong, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu tước bỏ đặc quyền thương mại của đặc khu hành chính này.

Tuần trước, Washington đã công bố một văn bản mới, yêu cầu hàng hóa xuất từ Hong Kong sang Mỹ phải dán nhãn "Made in China". Qui định mới có hiệu lực từ ngày 25/9 năm nay.

Ngoài ra, Hong Kong sẽ không còn tự do tiếp cận công nghệ nhạy cảm của Mỹ khi các lệnh hạn chế xuất khẩu của Washington đối với Trung Quốc mở rộng sang đặc khu hành chính này. South China Morning Post (SCMP) dẫn lời nhiều chuyên gia nhận định hàng hóa xuất khẩu của Hong Kong sẽ sớm bị áp thuế quan bổ sung.

Đệ đơn kiện Mỹ lên WTO: Hong Kong chia năm xẻ bảy - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: South China Morning Post

Mỹ ra đòn thương mại, Hong Kong sẽ đáp trả thế nào? - Ảnh 2.

Ngày 20/8, phát ngôn viên của Cục Phát triển Kinh tế và Thương mại Hong Kong cho biết họ "sẽ đệ đơn kiện Mỹ theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO nhằm bảo vệ qui chế lãnh thổ hải quan riêng biệt cũng như lợi ích của Hong Kong".

Vị phát ngôn viên này còn nói thêm, qui định dán nhãn hàng hóa của Mỹ đang xem thường "tư cách thành viên WTO độc lập của Hong Kong".

Trích dẫn điều 116 và 151 của Luật Cơ bản, trong đó "qui định đặc khu hành chính Hong Kong là một lãnh thổ hải quan riêng biệt", phát ngôn viên trên cho hay Hong Kong sẽ tìm cách đàm phán song phương với Mỹ, đồng thời đệ đơn khiếu nại lên cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO nếu đàm phán thất bại.

Khiếu nại thương mại là khía cạnh mà Hong Kong không có nhiều kinh nghiệm khi đây là một trong các nền kinh tế tự do nhất thế giới. Cho đến nay, Hong Kong chỉ mới đệ một đơn kiện duy nhất lên WTO, khi đặc khu hành chính này đề nghị tham vấn về hạn ngạch nhập khẩu hàng may mặc của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1996.

Chính quyền Hong Kong được cho là đang xây dựng hình thức và nội dung khiếu nại, trong khi nguồn tin của SCMP cho biết các luật sư tại WTO "chưa nhận được bất kì thông tin nào".

Tuy nhiên, đại diện các tổ chức thương mại và giới chuyên gia tại Hong Kong đang có nhiều quan điểm trái ngược về việc có nên đâm đơn kiện nền kinh tế lớn nhất thế giới hay không.

Mỹ ra đòn thương mại, Hong Kong sẽ đáp trả thế nào? - Ảnh 3.

"Tôi nghĩ đệ đơn kiện Mỹ là một sai lầm", ông Michael Cartland - cựu đại diện của Hong Kong tại GATT vào cuối những năm 1980 và sau là thẩm phán tại WTO, cho hay.

"Hong Kong đang động vào tổ kiến lửa, hậu quả có thể rất nguy hại. Tôi khuyên chính quyền Hong Kong không nên kích động, Tổng thống Trump có thể dễ dàng khiến tình hình Hong xấu đi rất nhiều", ông Michael Cartland cảnh báo.

Mỹ ra đòn thương mại, Hong Kong sẽ đáp trả thế nào? - Ảnh 4.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng theo nguyên tắc, Hong Kong nên đứng lên bảo vệ quyền lợi của đặc khu với tư cách là một thành viên riêng biệt của WTO.

"Người Hong Kong cần một hệ thống pháp lí về thương mại và chính quyền Hong Kong nên đi đầu. Chúng ta không thể nói: 'Ông Trump đã quyết định như thế, chúng tôi không thể thay đổi'", ông Alan Hoo - Chủ tịch Viện Luật Cơ bản của Hong Kong, nhận định.

"Vậy theo phía Mỹ, những qui định nào đang được áp dụng? Hay không có qui định nào? Chúng ta không thể hành động như các thành phố khác tại đại lục bởi vì ông Trump định nghĩa chúng ta như thế", ông Hoo nói tiếp.

Trong các cuộc phỏng vấn cùng nhiều học giả thương mại, chính trị gia, nhà ngoại giao và luật sư của SCMP, phần đông cho biết dù không chắc chắn thắng kiện thì về mặt pháp lí, Hong Kong có thể khiếu nại Mỹ khi nhiều điều khoản trong GATT và WTO có đề cập đến các vi phạm tiềm ẩn về nhãn mác, thuế quan, kiểm soát xuất khẩu và quyền tự chủ.

"Tôi thấy hành động của phía Mỹ có thể vi phạm nhiều qui định của WTO, theo GATT, Hiệp định về Qui tắc Xuất xứ và nhiều khả năng là cả theo Hiệp định về Trị giá Hải quan.

Nếu Mỹ muốn duy trì quyền tự chủ của Hong Kong, họ đang thể hiện ý định của mình một cách rất nực cười khi tấn công vào một trong các trụ cột chính của Hong Kong", ông Stuart Harbinson - cựu đại diện thường trực của Hong Kong tại WTO, cho hay.

Đại diện của các đối tác thương mại khác tại Hong Kong từng chỉ trích luật an ninh quốc gia của Trung Quốc. Nhóm này thừa nhận tư cách thành viên WTO của Hong Kong, hàm ý họ sẽ không tuân theo qui định của Mỹ.

Tức giận trước việc Washington tước bỏ đặc quyền thương mại của Hong Kong, những người ủng hộ hành động nhấn mạnh rằng chính quyền Hong Kong phải nhanh chóng lên tiếng.

Ông Chin Leng Lim - giáo sư luật tại Đại học Trung Quốc Hong Kong (CUHK), cho hay: "Hiện tại Hong Kong chỉ gặp vấn đề về nhãn dán, tuy nhiên có thể đây sẽ là khúc dạo đầu cho nhiều động thái khác từ Mỹ".

"Giả sử một nhóm người đến đất của bạn, ban đầu bạn mặc kệ. Ngày hôm sau họ dựng lều và bạn nghĩ, 'Đằng nào mình cũng không dùng đến chỗ đất đó'. Chẳng bao lâu sau họ đã định cư ngay trên đất của bạn, lúc này bạn mới lớn tiếng đuổi đi thì họ cãi là đã ở đây từ lâu và không ai phàn nàn gì. Trường hợp của Hong Kong vừa có cả vấn đề về nguyên tắc vừa có cả yếu tố thực tế", giáo sư Chin giải thích.

Mỹ ra đòn thương mại, Hong Kong sẽ đáp trả thế nào? - Ảnh 5.

Một luồng ý kiến khác kêu gọi Hong Kong nên thận trọng. Đệ đơn kiện Mỹ lên WTO có thể khiến Washington phản ứng gay gắt hơn khi mà ông Trump đang muốn chứng tỏ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trước thềm cuộc bầu cử ngày 3/11.

Thậm chí, Mỹ có thể yêu cầu mở rộng tranh chấp để tiến hành điều tra về quyền tự trị của Hong Kong.

"Cận thận, đừng vạch áo cho người xem lưng. Đệ đơn khiếu nại Mỹ lên WTO có thể phơi bày nhiều vấn đề về mối quan hệ Hong Kong - Trung Quốc hơn những gì chính quyền đặc khu này muốn", ông Rambod Behboodi - cựu quan chức thương mại của chính phủ Canada và hiện là công tác tại hãng luật King & Spalding cho hay.

Hơn nữa, chính WTO cũng đang trong tình trạng rối ren. Khi cơ quan phúc thẩm của WTO tiếp tục đình trệ như hiện nay, Mỹ có thể tiếp tục kháng cáo nếu thua kiện. Ngay cả khi Hong Kong thành công, chiến thắng trước Mỹ cũng rất chua chát, vì đặc khu này có quá ít lựa chọn để trả đũa Mỹ.

Yên Khê