|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ 'phá vỡ' bế tắc giữa người lao động và giới chủ trong ngành đường sắt

02:00 | 02/12/2022
Chia sẻ
Ngày 30/11, với 290 phiếu thuận và 137 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật nhằm ngăn chặn một cuộc đình công của ngành đường sắt có nguy cơ "tàn phá nền kinh tế Mỹ", qua đó phá vỡ bế tắc giữa người lao động và giới chủ trong ngành đường sắt trước kỳ nghỉ lễ quan trọng cuối năm.

Dự luật được đa số nghị sĩ lưỡng đảng trong Hạ viện Mỹ thông qua, theo đó buộc các nghiệp đoàn đường sắt phải chấp nhận một thỏa thuận đạt được hồi tháng 9 vừa qua về tăng lương.

Các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo các nghiệp đoàn và giám đốc các công ty đường sắt Mỹ đã bế tắc trong hơn 2 năm. Trong các cuộc đàm phán gấp rút hồi tháng 9 vừa qua, hai bên đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ. Thỏa thuận này đã được 8 trong số 12 nghiệp đoàn đường sắt Mỹ thông qua, trong khi 4 nghiệp đoàn còn lại phản đối. Thỏa thuận này bao gồm tăng lương 24% cho nhân viên ngành đường sắt. Tuy nhiên, những người phản đối thỏa thuận này cho rằng thỏa thuận không đề cập việc đảm bảo nghỉ ốm được trả lương.

Để nhận được sự ủng hộ của các nghiệp đoàn đường sắt, Hạ viện Mỹ đã ủng hộ một biện pháp bổ sung đối với thỏa thuận liên quan thời gian nghỉ ốm được trả lương, giải quyết điểm vướng mắc chính của các nghiệp đoàn.

Tổng thống Joe Biden đã hoan nghênh việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trên, đồng thời kêu gọi Thượng viện nhanh chóng thông qua.

Các nhà lãnh đạo của cả hai đảng tại Thượng viện Mỹ trước đó cho biết sẽ hành động nhanh chóng để ngăn chặn nguy cơ gián đoạn hoạt động của hệ thống đường sắt Mỹ trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.

Theo một đạo luật năm 1926, Quốc hội Mỹ được quyền giải quyết tranh chấp giữa các công ty đường sắt và nghiệp đoàn trong khuôn khổ quyền điều chỉnh thương mại của quốc hội.

Minh Trang (Theo AP)

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.