|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ lại đứng trước nguy cơ đình công trong ngành giao thông huyết mạch

19:07 | 11/10/2022
Chia sẻ
BMWE, nghiệp đoàn của các nhân viên bảo trì đường sắt, đã bác bỏ thỏa thuận với hãng vận tải hàng hóa. Động thái này làm dấy lên lo ngại về cuộc đình công gây gián đoạn huyết mạch vận tải tại một quốc gia đang gặp khó khăn về chuỗi cung ứng như Mỹ.

Một tàu chở hàng tại Cảng Savannah, Georgia, Mỹ. (Ảnh: Reuters) 

Tín hiệu từ BMWE

Theo kết quả bỏ phiếu công bố ngày 10/10 của BMWE (Brotherhood of Maintenance of Way Employes Division), có 43% số người tham gia ủng hộ thỏa thuận được đề xuất trong 5 năm và 57% phản đối. Khoảng 12.000 người trong số 23.000 thành viên của BMWE đã tham gia bỏ phiếu.

BWME cho biết sẽ tham gia đàm phán với hiệp hội đại diện cho các hãng vận chuyển hàng hóa quốc gia nhằm đạt được một thỏa thuận mới. Nếu nỗ lực này thất bại, cuộc đình công có thể xảy ra sớm nhất vào ngày 19/11.

Trong một tuyên bố, hiệp hội đại diện cho cho các hãng vận chuyển đã bày tỏ sự “thất vọng” đối với kết quả bỏ phiếu của BWME, song hai bên đã quyết định giữ nguyên tình trạng hiện nay, để không làm gián đoạn dịch vụ ngay lập tức.

BMWE là nghiệp đoàn lớn thứ ba trong số các nghiệp đoàn vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Hai nghiệp đoàn lớn nhất, đại diện cho hơn 55.000 kỹ sư và chỉ huy tàu, đang tiến hành cuộc bỏ phiếu riêng qua đường bưu điện.

Theo CNN, ngay cả khi thành viên của hai nghiệp đoàn lớn nhất ủng hộ thỏa thuận, họ cũng sẽ không trở lại làm việc nếu BMWE đình công. Hơn nữa, việc BMWE từ chối thỏa thuận, một dấu hiệu cho thấy sự bất mãn của người lao động, có thể dẫn đến sự thất bại trong cuộc bỏ phiếu của hai nghiệp đoàn lớn hơn.

Theo thống kê, hệ thống đường sắt vận chuyển 30% khối lượng hàng hóa của Mỹ. Một cuộc đình công của ngành này có thể dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung và thổi giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và xăng dầu. Các nhà máy thiếu nguyên liệu đầu vào sẽ phải đóng cửa và các kệ hàng trong mùa mua sắm sắp tới sẽ trống rỗng.

 

Ánh sáng cuối đường hầm

Tháng trước, thỏa thuận giữa ngành đường sắt và các nghiệp đoàn đã đạt được chỉ vài giờ trước hạn chót sau một cuộc đàm phán kéo dài 20 tiếng, với sự can thiệp trực tiếp của Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Lao động Marty Walsh.

Theo thỏa thuận đã đạt được giữa các bên, người lao động sẽ được tăng lương 14% ngay lập tức với khoản hoàn tiền kể từ năm 2020 và tăng 24% lương trong thời hạn 5 năm từ năm 2020-2024. Bên cạnh đó, thành viên nghiệp đoàn còn nhận khoản tiền thưởng 1.000 USD/năm. Tổng cộng khoản hoàn tiền và tiền thưởng sẽ mang lại cho người lao động trung bình 11.000 USD/người sau khi thỏa thuận được thông qua.

Tuy nhiên, vấn đề khó đạt được đồng thuận không phải là điều khoản tài chính, mà là quy định làm việc. Tình trạng thiếu nhân sự đã khiến nhóm làm việc hai người (gồm một kỹ sư và một chỉ huy) trên mỗi chuyến tàu phải "trực" để báo cáo việc làm 7 ngày một tuần. Quy định này đã gây ra sự tức giận cho các thành viên nghiệp đoàn.

Tuy nhiên, lãnh đạo các nghiệp đoàn vẫn bày tỏ tin tưởng rằng thành viên của họ sẽ phê chuẩn thỏa thuận, ngay cả khi họ không đạt được mọi thứ họ muốn tại bàn thương lượng.

Trả lời CNN, ông Dennis Pierce, Chủ tịch nghiệp đoàn kỹ sư, nói: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có mọi thứ có thể và một khi các thành viên của chúng tôi hiểu vị trí của mình, thỏa thuận sẽ được thông qua”.

Nhiều nghiệp đoàn nhỏ hơn đã gật đầu với các thỏa thuận của họ. Đại diện cho khoảng 5.000 thợ máy và nhân viên bảo trì là nghiệp đoàn duy nhất từ chối thỏa thuận, song sau đó đã đạt được một thỏa thuận mới mà không cần tiến hành đình công.

Không chỉ ngành đường sắt, nghiệp đoàn trong các ngành khác gần đây cũng từ chối thỏa thuận với giới chủ, song sau đó cũng phải “gật đầu” chấp nhận. Khoảng 10.000 thành viên của nghiệp đoàn United Auto Workers (UAW) tại nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp John Deere đã đình công vào mùa thu năm ngoái sau khi từ chối một thỏa thuận đã được đề xuất.

Thành viên UAW tại Deere tiếp tục đình công sau khi từ chối một thỏa thuận tiếp theo. Cuối cùng họ đã trở lại làm việc sau năm tuần khi cuộc bỏ phiếu thứ ba về một thỏa thuận tương tự được thông qua.

Các lao động làm việc tại nhà sản xuất ngũ cốc Kellogg cũng từ chối một thỏa thuận với giới chủ và quyết định tiếp tục đình công rồi mới đồng ý với một thỏa thuận vài tuần sau đó.

Trà My