|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường ảnh thế nào đến xuất khẩu tôm?

20:58 | 06/08/2024
Chia sẻ
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta nhận định rằng việc Mỹ không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường sẽ tiếp tục gây bất lợi cho các doanh nghiệp vướng vào các vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá tại quốc gia này.

Thông tin Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường được xem là một tin không vui đối với hoạt động xuất khẩu nói chung, đặc biệt là với những ngành phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ và trước mắt là ngành tôm.

Bởi vì ở thời điểm hiện tại ngành tôm đang chờ đợi Mỹ công bố mức thuế cuối cùng trong vụ điều tra chống trợ cấp thuế (CVD) dự kiến vào ngày 19/10. Kết luận vụ kiện sẽ được Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đưa ra vào ngày 3/12.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho rằng động thái này của Mỹ sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp vướng vào các vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá tại quốc gia này.

"Khi đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ không công nhận dữ liệu của doanh nghiệp Việt Nam cung cấp để xem xét thuế mà sẽ lấy số liệu thay thế từ nước thứ ba, gây phiền phức, tốn kém và thậm chí là không công bằng", ông cho hay. 

Ông nói thêm hiện công ty đang trả lời câu hỏi bổ sung từ Mỹ. Nếu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ứng xử kịp thời thì vụ kiện CVD có thể có kết quả thuận lợi. Nếu mức thuế mà DOC đưa ra với Việt Nam dưới 2% thì ITC sẽ huỷ bỏ điều tra về tôm Việt Nam. Trên thực tế vào năm 2016, Việt Nam đã thắng kiện, thời điểm đó mức thuế sơ bộ lên tới 5%.

“Trường hợp Mỹ vẫn áp thuế CVD, hy vọng mức thuế của Việt Nam thấp hơn các đối thủ. Trong trường hợp thuế CVD bất lợi đối với Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sẽ tính đến phương án đa dạng hoá thị trường, bớt phụ thuộc vào Mỹ”, Chủ tịch Sao Ta nhận định.

Hồi cuối tháng 3, Mỹ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam là 2,84% đối với một doanh nghiệp bị đơn bắt buộc duy nhất và mức thuế 196,41% cho một doanh nghiệp bị đơn không tham gia vụ việc. Các dooanh nghiệp còn lại bị áp mức thuế 2,84%.

Trước đó, DOC đã lựa chọn hai doanh nghiệp có lượng xuất khẩu lớn nhất sản phẩm bị điều tra của Việt Nam vào Mỹ trong thời kỳ điều tra làm bị đơn bắt buộc. Tuy nhiên sau đó, một trong hai bị đơn đã nộp đơn gửi DOC xin dừng tham gia vụ việc điều tra, chỉ còn lại một doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc trong vụ việc.

Ngoài vụ kiện chống trợ cấp, Mỹ cũng đang xem xét hành chính lần thứ 19 (PR19) vụ kiện chống bán phá giá tôm đối với hai doanh nghiệp Việt Nam. Dự kiến mức thuế sơ bộ sẽ được công bố vào đầu năm 2025. Trong đợt xem xét hành chính này, có hai bị đơn bắt buộc. 

Ông Lực cho biết do sản lượng xuất khẩu vào Mỹ chỉ đứng thứ tư nên Sao Ta không bị chọn làm bị đơn bắt buộc. Do đó, để không phải lệ thuộc mức thuế bình quân gia quyền từ mức thuế các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc, công ty gia tăng mức xuất hàng vào Mỹ năm 2024 này để ở PR20 sẽ được chọn là bị đơn bắt buộc. 

“Với sự chuẩn bị sổ sách chu đáo, Sao Ta tự tin mình sẽ nhận được mức thuế thấp nhất như đã từng xảy ra”, ông Lực chia sẻ.

Hoạt động xuất khẩu tôm sang Mỹ vẫn chưa hết khó 

 

Nhìn lại nửa đầu năm nay, hoạt xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ vẫn chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc và các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển trọng tâm sang các thị trường khác. 

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), trong 6 tháng đầu năm nay lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ chỉ tăng nhẹ 1% so với mức nền thấp của năm ngoái lên 303 triệu USD. Với kết quả này, Mỹ từ vị trí số 1 trong số các thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2023 đã tụt xuống vị trí thứ hai, với tỷ trọng 19%. 

 Nguồn: VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

VASEP cho biết tồn kho tại Mỹ tuy có giảm nhưng sức mua của nhà nhập khẩu không cao do họ cho rằng giá tôm sẽ còn tiếp tục giảm nên chưa tăng cường mua vào. Cước tàu tăng cao đột biến 40% từ tháng 5 do các tàu phải đi vòng qua eo biển Hormuz.

Bên cạnh đó, do Mỹ áp thuế với Trung Quốc rất cao, từ 50 - 100%, dẫn đến việc Trung Quốc gom hết container về nước để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới. Việc này khiến Việt Nam không đủ tàu và container dù vẫn chấp nhận giá cao.

Giá trung bình tôm chân trắng đông lạnh xuất khẩu sang Mỹ trong quý II năm nay ghi nhận tăng nhẹ so với quý đầu năm, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu tôm sú cũng liên tục giảm từ tháng 3 đến tháng 6. 

Ngay cả vào mùa cao điểm đang đến gần, VASEP cũng chỉ kỳ vọng nhu cầu mua tôm của Mỹ có thể tăng nhẹ vào quý III và giá tăng nhẹ kể từ tháng 7 trở đi nhờ nhu cầu tiêu thụ lễ hội cuối năm khiến sức mua của các nhà nhập khẩu tăng.

Trước những thách thức hiện tại, hiệp hội cho rằng việc tìm kiếm các thị trường mới cũng là một giải pháp quan trọng.

“Trong bối cảnh thị trường Mỹ gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác như Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Điều này không chỉ giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ mà còn tạo ra cơ hội để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững trong dài hạn”, VASEP nhận định. 

Trên thực tế, trong nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Trung Quốc& Hong Kong và EU. 

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc&Hong Kong tăng 17% lên 328 triệu USD, trở thành thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm nay (chiếm tỷ trọng 20,5%). Ngoài ra, tại EU cũng ghi nhận mức tăng 13% lên 217 triệu USD.  

 

H.Mĩ

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 07/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9.