|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu tôm chân trắng của Việt Nam đạt mức cao nhất trong hai năm

11:12 | 30/07/2024
Chia sẻ
Xuất khẩu tôm chân trắng của Việt Nam tiếp tục tăng trong tháng 6/2024, với khối lượng xuất khẩu đạt mức cao nhất trong hai năm.

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), khối lượng xuất khẩu tôm chân trắng từ Việt Nam tăng đáng kể trong quý I. Trong 2 tháng (tháng 5 và 6) tiếp tục được cải thiện, với tổng khối lượng xuất khẩu là 30.452 tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 6 là tháng thứ hai liên tiếp khối lượng nhập khẩu tăng ở hầu hết các thị trường chính, bao gồm Mỹ (+14%), Trung Quốc và Hồng Kông (+31%), EU (+8%) và Nhật Bản (+2%). Hàn Quốc chứng kiến lượng nhập khẩu giảm 6% so với tháng trước.

Đối với thị trường Mỹ và EU, mặc dù bị ảnh hưởng bởi giá cước vận tải biển tăng cao, các đối tác tăng cường nhận hàng vì lo ngại giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng mạnh trong mùa cao điểm vào cuối năm.

Trong khi đó, các lô hàng đến Nhật Bản và Hàn Quốc có phần chậm lại một phần do tác động của đồng yên và đồng won suy yếu, giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Giá cước vận tải biển trong tháng 5, tăng 10-20% so với tháng trước đó, đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ ký kết hợp đồng mới và đàm phán giá xuất khẩu sang thị trường EU và Mỹ.

VASEP nhận định nhu cầu thị trường cũng có thể được kích thích bởi sự sụt giảm giá tôm nguyên liệu trong tháng 6. Tháng 6, tôm chân trắng giảm giá mạnh nhất kể từ đầu năm do các nhà máy giảm giá mua tôm cỡ chính. Tuần cuối tháng 6, giá tôm tại trại đã phục hồi nhẹ, nhưng vẫn không bù đắp được mức giảm mạnh trong nửa đầu tháng.

Giá tại trang trại đối với tất cả các loại tôm, từ loại 30 con/kg đến loại 100 con/kg, đã giảm từ 10% đến 14%.

Tuy nhiên, giá xuất khẩu trung bình của tất cả các sản phẩm tôm chân trắng bán ra thị trường vẫn ổn định vào tháng 6, tăng 0,03 USD so với tháng trước lên 8,1 USD/kg.

nhập khẩu tôm chân trắng của Trung Quốc, Mỹ và EU đạt mức cao nhất trong năm

Trung Quốc vẫn là thị trường tôm chân trắng lớn của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ vào tháng 6, với doanh số tăng hơn 1.000 tấn lên 5.921 tấn. Đó là mức cao nhất trong một năm.

Giá xuất khẩu trung bình của tất cả các sản phẩm tôm chân trắng xuất khẩu sang Trung Quốc cũng tăng 3,1% lên 6,5 USD/kg, trở lại mức của tháng 2 sau một số lần giảm trong thời gian qua.

Xuất khẩu tôm chân trắng Việt Nam sang Mỹ tăng lên 4.976 tấn - mức cao nhất kể từ tháng 11/2023  và giá cũng đang tăng dần, tăng 2% so với tháng trước ở mức 10,2 USD/kg.

Xuất khẩu sang thị trường EU cũng đạt 4.709 tấn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2022.

Tuy nhiên, giá xuất khẩu tiếp tục giảm 1,4% xuống còn 7 USD/kg. Giá xuất khẩu sang thị trường EU đã giảm xuống dưới mức trước COVID-19 (năm 2019 và 2020).

Xuất khẩu tôm chân trắng của Việt Nam sang Nhật Bản vẫn duy trì ở mức tốt, tăng nhẹ lên 3.630 tấn. Giá xuất khẩu cũng ghi nhận mức tăng đầu tiên trong năm nay, tăng 3,4% lên 8,8 USD/kg.

Xuất khẩu sang Hàn Quốc tháng 6 giảm nhẹ so với tháng trước đó, đạt 2.894 tấn. Giá xuất khẩu trong tháng 6 giảm 4,1% xuống còn 7,1 USD/kg.

Trong khi đó, khối lượng xuất khẩu tôm sú của Việt Nam trong tháng 6 giảm nhẹ 4% so với tháng trước nhưng tăng 9% so với cùng kỳ năm trước lên 3.956 tấn.

Cạnh tranh gay gắt về giá từ các nước sản xuất khác như Ecuador và Ấn Độ, cùng với sự phục hồi chậm chạp nhu cầu trong nước tại Trung Quốc, đã góp phần làm giảm đáng kể lượng xuất khẩu sang thị trường lớn này. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu sang Mỹ và EU tiếp tục gặp khó khăn do giá cước vận tải tăng và tình trạng thiếu container.

Giá xuất khẩu trung bình tôm sú các cỡ sang tất cả các thị trường trong tháng 6 đều tăng 0,4% so với tháng trước, ở mức 11,06 USD/kg.

Trong một bài viết trên website công ty, ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) cho biết nửa đầu năm 2024, môi trường sản xuất kinh doanh đầy phức tạp, biến động khó đoán và sức mạnh cạnh tranh tôm Việt Nam ngày càng tỏ ra suy giảm, cơ bản ở giá cả.

Tuy nhiên, điểm sáng đầu tiên là doanh số xuất khẩu tôm toàn ngành có tăng trưởng, dù là một con số. Điểm sáng nữa là cơ cấu thị trường cân bằng hơn, từ đó sẽ giảm rủi ro hơn.

Ông cho rằng nửa cuối năm, là giai đoạn "nhẹ thở" hơn, bởi đây là lúc nhu cầu thị trường tăng mạnh. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều biến số như căng thẳng địa chính trị, thời điểm kinh tế thế giới phục hồi, lạm phát suy giảm...

H.Mĩ

Trung Quốc đánh mất lợi thế chi phí lao động giá rẻ nhưng Việt Nam không phải quốc gia duy nhất hưởng lợi
Mức lương trung bình trong ngành sản xuất của Việt Nam chỉ xấp xỉ 1/4 Trung Quốc. Tuy đây là lợi thế đáng chú ý của Việt Nam, một số quốc gia châu Á khác cũng có ưu điểm tương tự.