VASEP: Xuất khẩu tôm Ecuador lập đỉnh
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn số liệu từ Phòng Nông nghiệp quốc gia Ecuador cho biết, chỉ riêng trong tháng 5, Ecuador đã xuất khẩu được 124.896 tấn tôm, mang về 602 triệu USD. Theo đó, khối lượng xuất khẩu tăng 12% so với kỷ lục của tháng 4, và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, Ecuador xuất khẩu 509.012 tấn tôm, trị giá 2,5 tỷ USD, tăng 2% về lượng nhưng giảm 8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Hiện, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Ecuador trong tháng 5, với 69.543 tấn, trị giá 309 triệu USD. Tuy nhiên, do giá trị trường thấp nên giá trị xuất khẩu giảm 12% và đơn giá giảm 13% so với cuối năm 2023.
5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc giảm 15% về lượng và giảm 27% về giá trị với 270,7 nghìn tấn, trị giá 1,2 tỷ USD dù cho có nhiều tín hiệu đáng mừng tại tháng 5 vừa rồi. Nguyên nhân dẫn đến việc sụt giảm sản lượng xuất khẩu này là do 9 công ty xuất khẩu tôm lớn của Ecuador bị phát hiện dư lượng natri metabisulfit quá mức.
Sau Trung Quốc, Mỹ và châu Âu là hai thị trường lần lượt nhập khẩu tôm lớn từ Ecuador. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh với 53% về khối lượng, 41% về giá trị, đưa Mỹ trở thành điểm đến thứ hai của tôm Ecuador. Tính riêng đến tháng 5, tổng khối lượng xuất khẩu sang Mỹ đạt 23.681 tấn, trị giá 135 triệu USD.
Xuất khẩu tôm sang châu Âu đạt 22.137 tấn và 110 triệu USD, tăng 30% về lượng và 18% về giá trị. Trong đó, Pháp là thị trường tiêu thụ nhiều nhất mặt hàng này với khối lượng tăng 85%.
Tính đến tháng 5 năm nay, do xuất khẩu sang Trung Quốc chững lại, nên Ecuador đẩy mạnh bán hàng sang Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, dự kiến với mức thuế chống bán phá giá sơ bộ của Mỹ áp với các công ty xuất khẩu tôm Ecuador, khiến hoạt động bán hàng có thể bị chững lại trong nửa cuối năm nay.
Mặt khác, trong bối cảnh Ecuador chịu lệnh cấm từ Trung Quốc hồi đầu năm, các công ty xuất khẩu tôm của nước này cũng nỗ lực đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ bằng cách đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sang Đài Loan, Nhật Bản. Kết quả là, xuất khẩu tôm Ecuador sang Đài Loan, Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm nay ghi nhận tăng trưởng từ 3 đến 4 con số.
Dù cho khối lượng xuất khẩu tăng nhưng các nhà sản xuất tôm Ecuador vẫn đang phải vật lộn với vấn đề giá thấp và chi phí cao. Điều này tác động tiêu cực tới biên độ lợi nhuận và khả năng duy trì hoạt động nuôi tôm bền vững của người nông dân. Giá thấp, nhưng một số công ty tôm tại Ecuador vẫn đang đẩy mạnh sản xuất. Chỉ riêng sản phẩm tôm chân trắng của Ecuador, sản lượng dự kiến sẽ tăng lên hơn 1,4 triệu tấn vào năm 2024.
Theo VASEP, Ecuador đang chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong sản xuất tôm. Sản lượng tôm của nước này đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, đưa Ecuador trở thành nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Áp dụng mô hình nuôi tôm công nghiệp với quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến và quản lý chuyên nghiệp. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu giúp Ecuador giảm thiểu rủi ro khi một thị trường gặp khó khăn.