|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mượn vai IBM để chinh phục thế giới, Microsoft nhanh chóng thành 'gã khổng lồ' lớn hơn cả IBM

08:02 | 10/11/2019
Chia sẻ
Khi Microsoft có hợp đồng cung cấp hệ điều hành cho những máy tính cá nhân đầu tiên mang thương hiệu IBM, Bill Gates đã nhận thấy đây là một cơ hội tiềm năng cực lớn. Ông đã mua phần mềm của công ty khác để thực hiện hợp đồng.

Mọi cuộc thăm dò đều công nhận Microsoft là thương hiệu lớn thứ hai thế giới chỉ sau Coca-Cola. Bill Gates, người sáng lập Microsoft, bỏ dở đại học giữa chừng. Ngày nay đã trở thành người giàu có nhất hành tinh.

Thương hiệu mà công chúng không tin tưởng

Song điều đáng nói nhất về Microsoft là: Có lẽ đây là một thương hiệu mà công chúng coi thường và không tin tưởng nhất trong lịch sử. Chính vì thực tế ấy mà thành công của Microsoft đã khiến vô số người hoang mang ngờ vực. 

Trang Building Brands (www.buildingbrands.com) từng viết như sau về sự thành công của Microsoft:

Giá trị của thương hiệu Microsoft ngày nay, theo một nghiên cứu của Interbrand, là 65 tỉ USD, quá nhiều đối với một thương hiệu mà hầu như không một ai thực sự ưa thích. Và đó cũng chính là quan điểm của chúng tôi về thương hiệu này. 

Làm sao thương hiệu Microsoft lại có thể đáng giá đến như vậy? Không phải các thương hiệu đều được cho là phải có tính vô hình và sự tín nhiệm hay sao? 

Có thể đây là những thuật ngữ đã lạc hậu so với ngôn ngữ đang được các chuyên gia thương hiệu ngày nay sử dụng, nhưng dù sao thì các thương hiệu cũng hình thành từ nhận thức. Hay cũng không phải thế?

Thương hiệu hình thành từ nhận thức. Đối với nhiều người, nhận thức về Microsoft và Bill Gates cũng tương tự như đối với nhân vật phản diện James Bond ở chỗ họ cùng nhắm đến việc chi phối thế giới này với những phương tiện độc quyền và phi luân lý.

Microsoft

Các kĩ sư công nghệ của tập đoàn Microsoft làm việc trong trụ sở ở thành phố Seattle. Ảnh: The Seattle Times

Bill Gates không phải là nhà tài phiệt Blofeld, nhưng âm mưu thống trị toàn cầu của ông cũng mạnh mẽ không kém. 

Ông vạch ra sứ mệnh cơ bản của Microsoft là cung cấp "một máy tính trên mọi bàn làm việc ở mọi nhà, vận hành bằng phần mềm của Microsoft" (những từ trong vế cuối sau đó đã bị loại khỏi lời tuyên ngôn, nhưng vẫn còn được ẩn ý).

Ngay từ lúc khởi đầu, Microsoft đã không chỉ muốn dân dắt mà là muốn thống trị thị trường. Và họ biết sẽ phải cần đến sự trợ giúp của các công ty lớn để đạt mục tiêu đó. 

Cơ hội tới từ IBM

Năm 1981, khi Microsoft đã được 6 tuổi, các công ty công nghệ vẫn chưa thể phát triển mạnh hơn IBM. 

Vì vậy, khi Microsoft nhận trách nhiệm cung cấp hệ điều hành cho những máy tính cá nhân đầu tiên mang thương hiệu IBM, Bill Gates đã nhận thấy đây là một cơ hội tiềm năng cực lớn.

Ngược lại, IBM không hề nhận thức tầm quan trọng trong quyết định của họ. Hãng cho rằng dù sao thì Microsoft cũng chỉ là công ty cung ứng cho họ phần mềm - một thứ vô hình - chứ không phải một sản phẩm hữu hình như chiếc máy vi tính cá nhân IBM.

IBM đã hợp tác với Microsoft để tiết kiệm thời gian và công sức. Tại sao lại phải lãng phí công sức để tạo nên phần mềm - công việc mà một công ty khác có thể làm tốt hơn? 

Suy nghĩ của IBM có vẻ như là một suy nghĩ theo lối mòn, nhưng việc này xảy ra trước khi Internet và "Intel Inside" thực sự có mặt đến cả chục năm. 

Bill Gates

Bill Gates đã tận dụng cơ hội "ngàn năm có một" với IBM để biến Microsoft thành một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới. Ảnh: slate.com

Ý thức công nghệ của các thương hiệu máy tính lớn trong thập niên 1980 chỉ nhắm vào phần cứng - thứ mà con người có thể chạm tay tới được. 

Nếu lúc ấy ai đo nói với những người ăn mặc bảnh bao ở IBM rằng công ty phần mềm nhỏ nhoi Microsoft sẽ trở thành thương hiệu công nghệ lớn nhất thế giới chỉ trong vòng hai thập niên nữa, có lẽ họ sẽ cười lớn đến nỗi ngã khỏi ghế.

Cuối cùng Microsoft đã phát triển thành một thương hiệu thống trị thị trường theo một cách thức mà thậm chí cả IBM chưa từng bao giờ trải nghiệm. Đến những năm cuối của thế kỷ 20, IBM chỉ kiểm soát khoảng chừng 10% thị trường máy tính cá nhân, trong khi Microsoft thống trị đến 90% thị trường hệ điều hành của các máy tính để bàn. 

Hợp đồng của IBM chỉ cho phép Microsoft thiết lập một tiêu chuẩn thống nhất trong hệ điều hành dành cho máy tính cá nhân IBM, một hệ điều hành mà Bill Gates đã mua từ một công ty khác và đặt tên lại là MS-DOS. 

Về mặt kỹ thuật, các chuyên gia nhận định MS-DOS không thể là một hệ điều hành tốt nhất. Chẳng hạn, nó không thể so sánh được với hệ điều hành của Apple, một hệ điều hành dễ sử dụng hơn nhiều. Nhưng hệ điều hành Apple chỉ được dùng cho các máy tính của Apple, và phần bánh của Apple quá nhỏ so với phần của IBM.

Duy Văn