Mượn cảm hứng từ Squid Game để lừa đảo
Tại phiên bản khác của Squid Game (Trò chơi con mực) ở Trung Quốc, những kẻ lừa đảo đang lợi dụng người gặp khó khăn tài chính trong nền kinh tế suy thoái. Chúng đưa ra những lời hứa như nhận tiền thưởng, tái cơ cấu nợ hoặc các chương trình hỗ trợ khác, nhưng thực tế thường không như cam kết.
Không giống bộ phim truyền hình Hàn Quốc nổi tiếng, nơi người chơi phải đánh đổi cả tính mạng, các thử thách “tự kỷ luật” tại Trung Quốc không gây nguy hiểm đến mạng sống nếu người chơi thua cuộc.
Tuy nhiên, nhiều tòa án đã phát hiện các trường hợp người chơi bị lừa khi tham gia thử thách cách ly. Tức người chơi phải trả hàng trăm USD để ở trong một căn phòng trong nhiều ngày, tuân theo các quy định nghiêm ngặt với hy vọng giành được số tiền lên tới 1 triệu nhân dân tệ.
Nhiều người tham gia sau đó phát hiện ra đây là chiêu trò lừa đảo. Các cơ quan chức năng cũng đã đưa ra cảnh báo về những chương trình giảm nợ mập mờ.
Các thử thách cách ly này, thường được quảng cáo trên Douyin (phiên bản TikTok tại Trung Quốc), đã trở nên phổ biến trong bối cảnh nền kinh tế nước này giảm tốc. Quý III, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt mức thấp nhất trong hơn một năm, khiến chính phủ phải hứa thực hiện các biện pháp tăng thu nhập cho hộ gia đình.
Những thử thách này đi kèm các quy định khắt khe, như nghỉ đi vệ sinh không quá 15 phút hay không được chạm vào đồng hồ báo thức quá hai lần mỗi ngày.
Nhiều người chơi cảm thấy bất mãn khi bị loại ngay ngày đầu tiên vì vi phạm các quy định. Những lỗi này thường được phát hiện qua camera giám sát, nhưng người chơi không đồng ý với quyết định loại bỏ.
Vào tháng 10, một tòa án ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, đã yêu cầu nhà tổ chức một thử thách hoàn trả 5.400 nhân dân tệ (740 USD) phí đăng ký cho người chơi họ Tôn. Tòa án kết luận rằng hợp đồng này không công bằng và “vi phạm trật tự công cộng cũng như đạo đức xã hội”.
Ông Tôn tham gia thử thách cách ly 30 ngày với phần thưởng 250.000 nhân dân tệ. Quy định của thử thách cấm hút thuốc, che mặt, sử dụng thiết bị điện tử, uống rượu và tiếp xúc với bất kỳ ai bên ngoài căn phòng.
Tuy nhiên, đến ngày thứ ba, nhà tổ chức tuyên bố ông Tôn đã vi phạm quy định vì che mặt bằng gối, điều bị cấm trong thử thách này.
Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc và ByteDance - công ty sở hữu Douyin, đều không trả lời yêu cầu bình luận từ Reuters.
Ngoài ra, cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia (NFRA) đã cảnh báo người dân không nên tin vào các “trung gian nợ” tự nhận có thể giúp tái cơ cấu khoản vay hoặc cải thiện hồ sơ tín dụng.
Các trung gian này thường quảng cáo qua điện thoại, tin nhắn, tờ rơi và mạng xã hội, tuyên bố có thể hỗ trợ vay khoản mới hoặc cung cấp tài chính tạm thời. Tuy nhiên, NFRA cảnh báo rằng những dịch vụ này thường đi kèm mức phí rất cao.
Theo báo cáo của National Business Daily, các trung gian có thể thu phí dịch vụ lên tới 12% giá trị khoản vay.
Một số chiêu trò khác bao gồm thu phí cao với lời hứa sửa chữa hồ sơ tín dụng. NFRA cũng cảnh báo rằng thông tin cá nhân của người vay có thể bị rò rỉ hoặc bán cho bên thứ ba.
Tính đến tháng 11, tổng dư nợ hộ gia đình tại Trung Quốc đã đạt 82,47 nghìn tỷ nhân dân tệ (11.300 tỷ USD), theo số liệu từ ngân hàng trung ương.