|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao nhà đầu tư 'đặt cược' vào ngành giải trí Hàn Quốc?

03:00 | 03/09/2022
Chia sẻ
Công ty quản lý tài sản VIP Research & Management đã rót tiền cho cổ phiếu liên quan đến âm nhạc và phim truyền hình Hàn Quốc ngay cả trước khi loạt phim "Squid Game" gây nên sự bùng nổ.

 Ảnh minh hoạ: Reuters.

Công ty quản lý tài sản VIP Research & Management (Hàn Quốc) đã rót tiền cho các cổ phiếu liên quan đến âm nhạc và phim truyền hình Hàn Quốc ngay cả trước khi loạt phim "Squid Game" (Trò chơi con mực) gây nên sự bùng nổ toàn cầu của ngành giải trí Hàn Quốc. VIP lạc quan rằng lĩnh vực này sẽ còn phát triển mạnh trong tương lai.

Cổ phiếu của công ty giải trí SM Entertainment và đài phát thanh và truyền hình Seoul Broadcasting System (SBS) nằm trong số những danh mục đầu tư đem lại lợi nhuận hàng đầu cho công ty quản lý tài sản có giá trị 2,5 tỷ USD này. VIP đã bắt đầu mua cổ phiếu của các công ty truyền thông và công ty giải trí từ năm 2020 và hiện vẫn nắm giữ chúng.

VIP đã bán toàn bộ cổ phiếu của công ty truyền thông Contentree JoongAng vào cuối năm 2021 sau loạt phim mà công ty hợp tác cùng Netflix sản xuất là D.P. và Hellbound đều trở thành những bộ phim truyền hình ăn khách. Cổ phiếu của công ty này đã tăng 44% trong năm ngoái, mức tăng nhiều nhất trong sáu năm.

Những khoản đầu tư đó đã giúp nhóm danh mục hàng đầu của VIP tăng trưởng 91,9% trong hai năm qua, vượt qua mức tăng của chỉ số chứng khoán KOSPI của Hàn Quốc là 6,3%. Nếu chỉ tính trong năm 2022 trong bối cảnh thị trường chứng khoán có xu hướng giảm điểm dai dẳng, nhóm danh mục đầu tư hàng đầu của VIP chỉ bị giảm 10,4% từ tháng 1-8/2022, trong khi chỉ số KOSPI mất 17%.

Việc VIP tập trung vào các cổ phiếu trong ngành giải trí Hàn Quốc phản ánh sự phổ biến ngày càng tăng của các bộ phim truyền hình và âm nhạc Hàn Quốc trên toàn thế giới. Các bộ phim “bom tấn” đã giúp tăng giá cổ phiếu của các công ty tham gia sản xuất và phân phối đáng kể. Những cổ phiếu này là lựa chọn thay thế cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vốn tập trung quá nhiều vào cổ phiếu công nghệ ở Hàn Quốc.

Các cổ phiếu công nghệ vốn đang vật lộn với một thị trường chứng khoán “con gấu” (thị trường đi xuống) trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm và lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh.

Choi Joon-chul, giám đốc điều hành của VIP, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News rằng họ từng có định kiến với ngành giải trí Hàn Quốc. Các công ty giải trí quá phụ thuộc vào tài năng của các nghệ sĩ. Sự quản lý của ban lãnh đạo không thuần thục như trong ngành sản xuất. Tuy nhiên, tất cả những điều đó đã thay đổi với sự xuất hiện của người hâm mộ trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, VIP không còn nắm giữ cổ phiếu của các công ty lớn trong nước như Samsung Electronics và SK Hynix. Thay vào đó, chiến lược của công ty là tìm kiếm các cổ phiếu có giá trị rẻ trong số các công ty vốn hóa vừa và nhỏ của Hàn Quốc. Ông Choi chia sẻ, VIP nhận thấy họ chưa đến lúc rời khỏi thị trường chứng khoán Hàn Quốc bất chấp thị trường “con gấu” vì vẫn còn rất nhiều cổ phiếu giá rẻ. 

Mai Ly

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.