Mua sắm trực tuyến 'lên ngôi', người tiêu dùng Việt vẫn thích mua hàng cao cấp tại hệ thống nội địa
Gần 70% người tiêu dùng Việt Nam vẫn chuộng mua hàng cao cấp tại cửa hàng truyền thống trong nước
Báo cáo của công ty đo lường toàn cầu Nielsen về Sự thay đổi mức độ giàu của người tiêu dùng - một nghiên cứu liên quan đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng đối với các mặt hàng cao cấp - chỉ ra rằng ngày càng nhiều người tiêu dùng trên thế giới tìm đến các nhà bán lẻ trực tuyến trong nước để mua sắm các sản phẩm cao cấp. Con số đó đạt 45% trong năm 2018, tăng 6 điểm phần trăm so với năm 2016.
Tuy nhiên, các cửa hàng truyền thống trong nước vẫn là lựa chọn của đa số người tiêu dùng, chiếm 60% ý kiến của số người mà Nielsen khảo sát.
Gần 1/4 người tiêu dùng đang mua các sản phẩm cao cấp từ các nhà bán lẻ trực tuyến nước ngoài, chiếm là 24%, tăng 5 điểm phần trăm so với năm 2016. Và 15% người tiêu dùng nói rằng, họ tìm đến các cửa hàng truyền thống ở nước ngoài để mua các sản phẩm cao cấp, với lý do phổ biến là để trải nghiệm thực tế trong cửa hàng và tự cảm nhận trực tiếp mặt hàng.
Số liệu khảo sát về hình thức mua hàng cao cấp của người tiêu dùng.
Ở Việt Nam, 69% người tiêu dùng vẫn chọn các cửa hàng truyền thống trong nước để mua các sản phẩm cao cấp trong năm 2018, theo khảo sát của Nielsen. Tuy nhiên, gần một nửa người tiêu dùng (khoảng 48%) cũng đang chuyển sang các nhà bán lẻ trực tuyến trong nước để mua các mặt hàng cao cấp, và 27% số họ chọn mua từ các nhà bán lẻ trực tuyến nước ngoài. Trong khi đó, du lịch nước ngoài để mua sắm hàng cao cấp ngay tại cửa hàng là lựa chọn của 23% người tiêu dùng Việt Nam
Lời giới thiệu từ gia đình, bạn bè chiếm 1/2 quyết định mua hàng
Cũng theo báo cáo của Nielsen, top 5 nhóm sản phẩm mà người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả để mua hàng cao cấp bao gồm: mỹ phẩm (46%), quần áo, giày dép (44%), đồ điện tử cá nhân (43%), sản phẩm chăm sóc cơ thể (41%) và thịt, hải sản (38%).
TOP 5 sản phẩm người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả giá cao.
Các yếu tố quan trọng mà người tiêu dùng Việt Nam tìm ở các sản phẩm cao cấp vẫn là chất lượng (65%), và công dụng vượt trội (58%). Trong hơn một nửa số người được hỏi, khoảng 55% sẵn sàng chi trả mức giá cao cho sản phẩm có nguyên liệu thân thiện với môi trường hoặc có thành phần tự nhiên, hữu cơ, chiếm 52% ý kiến khảo sát.
Chất lượng, an toàn cao vẫn là yếu tố hàng đầu của sản phẩm cao cấp mà người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên.
Khi chọn mua các sản phẩm cao cấp mới, người người tiêu dùng Việt Nam coi sự giới thiệu của bạn bè, người thân là yếu tố quan trọng nhất, với 50% người được khảo sát nhận định rằng các đề xuất của bạn bè và gia đình ảnh hưởng đến quyết định dùng thử của họ.
Bên cạnh đó, các yếu tố khác ảnh hưởng đến quyết định chọn mua sản phẩm cao cấp mới của người tiêu dùng Việt Nam gồm: nghiên cứu về sản phẩm (khoảng 46%); quảng cáo trực tuyến (khoảng 42%), quảng cáo trên truyền hình (39%) và quảng cáo tại cửa hàng (39%).
Giới thiệu từ gia đình, bạn bè chiếm 1/2 quyết định mua sản phẩm cao cấp của người tiêu dùng Việt.
Bà Laura McCullough, chuyên gia thuộc Bộ phận Đo Lường Hiệu Quả Bán Hàng và Tiếp Thị Nielsen, nhận định: "Sự thay đổi về mức độ giàu của người tiêu dùng ở những nước đang phát triển đang giúp họ sử dụng sức mua mới của mình để mua sắm những sản phẩm và dịch vụ chuẩn quốc tế; ngày càng nhiều người tiêu dùng tại những nước này chuyển sang chọn mua những mặt hàng cao cấp hay các dòng sản phẩm độc quyền,"
"Quan trọng hơn, các nhà bán lẻ cần lưu ý tránh giảm giá cho những mặt hàng mà người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hoặc quảng bá quá mạnh tay cho những mặt hàng cao cấp mà người tiêu dùng ít quan tâm", bà Laura McCullough khuyến cáo.