|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Một quyết định hành chính liên quan đến đất đai có thể thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ

13:54 | 18/09/2022
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng một số doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa có tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại hoặc đất ở, làm thất thoát ngân sách nhà nước. Đây là lỗ hổng lớn và chỉ cần một quyết định hành chính có thể thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Tại phiên hội thảo chuyên đề về hoàn thiện chính sách đất đai trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 được tổ chức ngày 18/9, các chuyên gia đều nhấn mạnh đất đai thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, 11 nhóm chính sách lớn của Nghị quyết 18  đều là các vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng sâu rộng đến nền tảng của nền kinh tế, đời sống của người dân.

“Trong quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch là một trong những công cụ quan trọng nhất. Công tác quy hoạch phải đổi mới về phương pháp, nội dung, hình thức để quy hoạch mang được quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực tài nguyên hết sức đặc biệt, quý giá và quan trọng này. Nội dung đổi mới này sẽ đảm bảo công bằng, bình đẳng cho các bên, giải quyết nhu cầu sử dụng đất, giải quyết các vấn đề trong quá khứ, hiện tại và tương lai”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết thêm Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương đề cập đến 3 vấn đề về tài chính đất đai liên quan cần quan tâm.

Thứ nhất là chênh lệch địa tô. Việc quản lý mục đích sử dụng đất phải chặt chẽ, nếu không sử dụng với mục đích sản xuất kinh doanh, không còn nhu cầu sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi lại để bán đấu giá một cách hiệu quả hơn, tạo nguồn lực để tái phát triển.

Bộ trưởng lấy ví dụ, ở một số doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa có tình trạng chuyển mục đích sử dụng sang thương mại hoặc đất ở, làm thất thoát ngân sách nhà nước. “Đây là lỗ hổng lớn, vì chỉ cần một quyết định hành chính có thể làm mất đi hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ. Do vậy, cần có cơ chế bịt lỗ hổng này”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lưu ý .

Thứ hai là vấn đề giá đất. Hiện nay, có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng chưa thật sự nhất quán, chính xác đã tạo nên một số lỗ hổng. Bộ trưởng cho rằng sắp tới phải rà soát lại các phương pháp xác định giá đất để tìm ra phương pháp xác định một cách phù hợp nhất, chính xác, nhất quán. 

Vấn đề thứ ba là thời điểm xác định giá đất không quá 6 tháng mới đảm bảo độ chính xác và khi nộp tiền vào ngân sách mới tiến hành giao đất.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: quochoi.vn).

Việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết thực tế việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn. Các tỉnh, thành phố hầu như không có chính sách riêng cho đối tượng này, chủ yếu dành nguồn lực cho các dự án lớn, các doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa hầu như không có cơ hội tiếp cận đất đai, cũng không đủ sức cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác vì thực trạng phân bổ đất đai chưa tự nguyện, có tình trạng địa phương lấy đất của doanh nghiệp nhỏ để giao cho doanh nghiệp lớn.

Việc thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thực tế cũng rất hạn chế. Hệ quả tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đất đai ít, ít có cơ hội mở rộng kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp loay hoay với câu chuyện về môi trường, làng nghề, tiếp cận vốn khó do không có đất đai để thế chấp. Vì vậy bức tranh khu vực kinh tế tư nhân còn khiêm tốn.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai bên cạnh tăng cường đấu giá, đấu thầu sử dụng đất cũng cần có chế định khác để doanh nghiệp nhỏ và vừa có có hội tiếp cận. Bên cạnh đó, cần khuyến khích có đất để sản xuất công nghiệp, nếu giá đất để sản xuất công nghiệp quá cao thì hàng hóa Việt Nam sẽ khó cạnh tranh.

Ngoài ra, thủ tục hành chính phức tạp, nhiều chồng chéo xung đột nên chi phí cao, chỉ doanh nghiệp lớn mới tiếp cận. Vì vậy, cần có cải cách mang tính đột phá về thủ tục hành chính và tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Ông Đậu Anh Tuấn đề nghị giảm tình trạng văn bản hướng dẫn thi hành luật, bởi theo thống kê hiện nay có quá nhiều văn bản hướng dân thi hành dẫn tới việc khó nắm bắt và thực hiện.

Ngọc Anh