Luật Đất đai (sửa đổi) cần cụ thể, phù hợp thực tiễn, đồng bộ các luật có liên quan
Đây là một trong những trọng tâm được các chuyên gia, đại biểu hội đồng nhân dân, các cấp ngành trao đổi, thảo luận, góp ý tại hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) vào ngày 1/3 do Hội đồng nhân TP HCM tổ chức.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng gợi mở những vấn đề cần quy định chi tiết, cụ thể để khi triển khai Luật; đề xuất Luật Đất đai (sửa đổi) cần chi tiết hơn, công khai. minh bạch nhiều vấn đề về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực, hộ gia đình sử dụng đất… tạo điều kiện cho người dân sử dụng đất đai có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ông Huỳnh Khắc Điệp, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân, TP HCM kiến nghị bổ sung nội dung tại Điều 1 Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/08/2019) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Điều 60 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về “nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”.
Theo đó, các quy hoạch sử dụng đất có thể lập đồng thời. Quy hoạch sử dụng đất nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch sử dụng đất được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.
Ông Điệp cũng đề nghị bỏ quy định “quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất” tại khoản 5 Điều 60 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vì không hợp lý, không khả thi và không đồng bộ, thống nhất.
Tại Khoản 4 Điều 60 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã”. Quy định “quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã” là phù hợp với phạm vi, tính chất, nhiệm vụ của công tác quy hoạch sử dụng đất và phù hợp với hoạt động thực tiễn của người sử dụng đất, đồng thời phù hợp với quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.
Ông Điệp cũng đề nghị bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp vùng vì thực tiễn hiện nay các Nghị quyết của Trung ương, các tỉnh, thành phố đều nhấn mạnh đến liên kết vùng, phát triển kinh tế địa phương gắn liên với kinh tế vùng.
Tại Khoản 2 Điều 5 Luật Quy hoạch 2017 quy định “2. Quy hoạch vùng” nhưng chưa quy định “quy hoạch sử dụng đất cấp vùng”. Do vậy nội dung “quy hoạch sử dụng đất cấp vùng” là một bộ phận không tách rời của “quy hoạch vùng”, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với “quy hoạch xây dựng vùng” theo quy định của Luật Quy hoạch.
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn cũng chia sẻ thêm về những khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch và sử dụng đất ở địa phương; tính minh bạch, cụ thể, thống nhất trong quy hoạch giữa cấp trên cấp dưới bởi không ít những thửa đất quy hoạch vừa là đất đô thị, vừa là đất nông thôn, vừa là đất nông thôn mới… khiến hơn 10 năm qua vẫn không thể làm được gì.
"Do vậy, vấn đề này chỉ được cụ thể hóa bởi ở cấp dưới và cấp trên để đảm bảo nhu cầu, quyền được làm giàu ở địa phương đó. Nếu được sửa lần này, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần hướng đến dân chủ, công bằng", ông Khuyên nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về kế hoạch sử dụng đất, ông Khuyên cho rằng, thành phố đã có quy hoạch về đô thị, quy hoạch về xây dựng, quy hoạch về nông thôn thì không nhất thiết mỗi năm lại lập kế hoạch sử dụng đất vì vừa mất thời gian, thực hiện quy trình, tốn kém và người dân có đất cứ phải loay hoay chờ đợi kế hoạch này.
Về công tác bồi thường, tái định cư, ông Khuyên cũng đề nghị Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần hướng đến việc cung cấp thông tin cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch các dựa án (nói chung) trước khi thực hiện thu hồi.
Ngoài ra, cần xét xét về không gian, thời gian, định lượng, định tính để khi thu hồi và áp giá đền bù cho phù hợp, tương xứng như Luật quy định giá trị phải bằng hoặc cao hơn sau khi tái định cư…
Tuy nhiên, Dự thảo Luật Đất đai cũng cần cụ thể hóa thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ”; cụ thể hóa bằng các tiêu chí cụ thể như thế nào là bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ vì cụm từ này còn rất chung chung (tại khoản 2, Điều 89).
Cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối tượng lấy ý kiến là người dân có đất bị thu hồi vì người dân có đất trong khu vực bị thu hồi rất rộng như: người làm việc trong các doanh nghiệp bị thu hồi đất, người thuê nhà, thuê mặt bằng kinh doanh trong khu vực đất bị thu hồi (tại điểm a, khoản 3, Điều 85)
“Đây là bài toán rất khó, do vậy nếu giải quyết tốt sẽ trở thành nguồn lực cho phát triển địa phương, cho hộ gia đình, ngược lại sẽ là cản trở rất lớn trong quá trình quy hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”, ông Khuyên chia sẻ.
Tại hội nghị, ông Lưu Bảo Đoan, đại diện doanh nghiệp bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, góp ý kiến về quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sữ dụng đất (ở Mục 4, bao gồm từ Điều 43 – Điều 48).
Trong đó nhấn mạnh việc tạo hành lang thông thoáng, cụ thể hơn, cởi mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút chất xám để phục vụ cho sự phát triển thành phố, phát triển đất nước.
Các đại biểu cũng đề xuất Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần nêu rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; chế độ quản lý sử dụng các loại đất, trách nhiệm chủ sở hữu đất đai. Đồng thời chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc khi quy định về đất tôn giáo, đất tín ngưỡng, đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng được quy định ở điều 203, 204 và 205.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua Luật đất đai đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp, quyền lợi người dân còn chịu nhiều ảnh hưởng.
Do vậy, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có tầm quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai; có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi chính sách quy định trong rất nhiều luật khác nhau, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả tổ chức và từng người dân phù hợp với quy định pháp luật.
Qua những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc gần đây, bà Lệ nhìn nhận người dân quan tâm việc làm sao đơn giá bồi thường tiệm cận giá thị trường; việc hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trước khi thực hiện thu hồi đất.
Các vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể…
"Trên cơ sở Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được công khai lấy ý kiến trong nhân dân (gồm 16 chương, 246 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều, sửa đổi, bổ sung 184 điều, bổ sung 41 điều mới và bãi bỏ 8 điều) nên việc quan trọng nhất là cần nghiên cứu, rà soát, để đảm bảo cụ thể hóa tối đa, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp (như tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII) và đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan", bà Lệ nhấn mạnh.
Từ những kiến nghị, góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, bà Lệ cho rằng sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích gắn liền với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.