|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hai vấn đề được quan tâm nhất trong Luật Đất đai sửa đổi

17:21 | 14/11/2022
Chia sẻ
Quy định về thu hồi, định giá đất là hai vấn đề được các đại biểu Quốc hội tranh luận nhiều nhất tại phiên thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) hôm nay.

(Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Định giá đất: Cần quy định rõ ràng hơn

Góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) khẳng định, việc quy định giá đất sát với thực tiễn là cần thiết. Tuy nhiên, việc xác định giá đất cần tính đến nhu cầu mua nhà của người có thu nhập thấp.

Ngoài ra, theo đại biểu, việc định giá đất cần công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình trong trường hợp thu hồi đất. Phương pháp định giá đất dù theo cách nào cũng phải đồng bộ. Dự án Luật cũng nêu rõ quy định cơ quan nào có quyền giải quyết tranh chấp khi có phát sinh mâu thuẫn về giá đất giữa các bên,…

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh khẳng định, việc bỏ khung giá đất chính là để đưa đất đai về giá trị thực. Xây dựng bảng giá đất, định giá đất sát với giá thị trường để tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên, nguồn lực đất đai,… Tuy nhiên, một số quy định về giá đất chưa thật sự cụ thể. Trong đó, cần nghiên cứu bổ sung các quy định để giải quyết thấu đáo một số vấn đề thực tiễn đặt ra.

Theo đó, khi bỏ khung giá đất thì bảng giá đất, giá đất cụ thể tăng thì người sử dụng đất sẽ phải trả tiền thuế, phí, tiền sử dụng đất nhiều hơn và sẽ làm cho giá bất động sản tăng lên, khả năng tiếp cận sở hữu nhà, đất của người có thu nhập thấp, yếu thế sẽ khó khăn. Do vậy, đại biểu đề nghị dự án Luật cần có quy định cụ thể về giảm tỷ suất thuế, có cơ chế để tiếp tục phát triển chính sách xã hội đối với người có thu nhập thấp và người yếu thế.

Ngoài ra, khi giá đất tăng, nhà đầu tư có thể gặp khó khăn khi đàm phán với người sử dụng đất nếu dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất và khó giải phóng mặt bằng hơn. Nếu không có tiềm lực về tài chính, nhà đầu tư sẽ phải tính toán lại phương án đầu tư khi thấy giá thành cao so với giá đất tăng.

Kéo theo đó, nguồn cung về nhà đất cho thị trường có thể giảm, có thể làm chững thị trường bất động sản trong khi nhu cầu nhà ở lại bức thiết, nhất là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, các thành phố lớn. Như vậy, cả nhà đầu tư và người dân có nhu cầu về nhà ở đều gặp khó khăn. Vấn đề đặt ra là cần có cơ chế như thế nào để thu hút được đầu tư và giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người dân.

ĐBQH Trần Đình Văn (Lâm Đồng) cho rằng, việc xác định giá đất còn chưa rõ ràng nên cần có cơ chế xác định giá đất minh bạch; có sự thẩm tra, giám sát kỹ lưỡng của Hội đồng Nhân dân địa phương.

Ngoài ra, theo đại biểu, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định rõ về giá đất trên thị trường giữa người mua và người bán về vị trí đất; phương pháp định giá đất theo giá thị trường; đưa ra các chế tài ràng buộc trách nhiệm giữa các bên.

Về cơ chế xác định giá, dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất, trách nhiệm của cơ quan xác định giá đất, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ, chuyển trọng tâm từ phương thức quản lý nặng về hành chính sang sử dụng các công cụ kinh tế được quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai.

Đại biểu nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn, có tính đột phá, nhiều điều quan trọng và phải xác lập về mặt pháp lý, cơ chế, phương pháp xác định giá theo nguyên tắc thị trường trong dự thảo luật. Trong dự án luật đã có những quy định về vấn đề này song còn khá đơn giản, sơ lược chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, đại biểu Trần Đình Văn đề nghị dự án Luật sửa đổi cần có định nghĩa giải thích về khái niệm giá trị thị trường có quyền sử dụng đất làm căn cứ xây dựng, thực hiện các chính sách quản lý liên quan đến nội dung này. Trong dự án luật cần xem xét bổ sung phân biệt khái niệm về giá cả thị trường và giá trị giá trị thị trường có quyền sử dụng đất.

Theo đó, giá cả thị trường có quyền sử dụng đất là giá mua bán trao đổi với người mua, người bán thỏa thuận với nhau khi mua bán, trao đổi quyền sử dụng đất trên thị trường. Giá cả thị trường của đất đai phụ thuộc vào giá thị trường, giá trị thị trường có loại đất đó và các yếu tố cá nhân riêng của người mua, người bán khi thực hiện giao dịch về đất đai.

Còn giá trị thị trường về quyền sử dụng đất là mức giá được xác định dựa trên các yếu tố thị trường, khả năng sinh lời, vị trí, kích thước, mục đích sử dụng đất, quan hệ cung cầu và giá cả giao dịch phổ biến về loại đất đó trên thị trường trong điều kiện bình thường.

Theo đại biểu Trần Đình Văn, dự án luật chưa có quy định cụ thể về phương pháp định giá đất, trong khi đây là một nội dung ít có ý nghĩa then chốt quyết định đến việc xác định được giá đất theo nguyên tắc thị trường. Vì vậy, cần có quy định mang tính nguyên tắc trong dự thảo luật về phương pháp xác định giá đất cụ thể để đảm bảo khi xác định giá đất theo phương pháp nào thì cũng ra kết quả phù hợp với giá thị trường.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề nghị cần chú ý đến các quy định có liên quan đến Luật giá, Luật Kinh doanh bất động sản nhằm đảm bảo tính nhất quán, thống nhất với hệ thống phương pháp định giá chuyên ngành tắc, tiêu chuẩn được quy định tại hệ thống tiêu chuẩn định giá tài sản của Việt Nam.

Đồng quan điểm, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị cần xác định rõ, tường minh thế nào là “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường” để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng.

Đồng thời, để giá đất tiệm cận với giá thị trường, cần định rõ vai trò, thẩm quyền của cơ quan nhà nước cũng như các chủ thể liên quan như nhà đầu tư, người sử dụng đất trong quá trình thẩm định giá, giảm tối đa cơ hội cán bộ có thể lạm quyền. Hội đồng thẩm định giá đất cần có sự tham gia của các bên, và hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng.

Thu hồi đất: Cần đảm bảo lợi ích của các bên

Quan tâm đến quy định về điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, các quy định về điều kiện thu hồi đất còn chưa đầy đủ, chung chung, chưa cụ thể.

Cụ thể, Điều 54 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.”

Đại biểu nhấn mạnh, trong điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cần làm rõ yếu tố “thật cần thiết”, quy định rõ các điều kiện nào là “thật cần thiết” để đảm bảo quá trình thu hồi đất diễn ra minh bạch, tuân thủ đúng quy định trong Hiến pháp năm 2013. Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong việc thu hồi đất, Nhà nước phải đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, trong đó, cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, vì họ ở thế bị động.

Đại biểu đề nghị cần chú trọng hơn nữa đến chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư để người dân bị thu hồi đất không bị thiệt thòi. Về các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu cho biết, dự thảo Luật lần này có mở rộng thêm các trường hợp thu hồi đất, hoặc mở rộng phạm vi hơn so với các trường hợp đã quy định trong luật hiện hành.

Ngoài ra, cần rà soát, đánh giá lại các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật hiện hành xem còn phù hợp hay không. Với những trường hợp mới bổ sung, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, tránh tình trạng quy định quá nhiều trường hợp thu hồi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tăng khiếu kiện về đất đai.

Theo ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước), Điều 86 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đang có quy định rất rộng. Đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn nữa, xác định giá đất khi giải tỏa, đền bù, quy định rõ khu vực nào là đất quốc phòng, khu vực nào là đất kinh doanh, làm rõ phương pháp xác định giá đất khi thu hồi.

Đại biểu cũng cho biết, người bị thu hồi đất không chỉ chịu thiệt hại về đất đai, mà còn chịu thiệt về nhiều tài sản khác gắn liền với đất đai, sinh kế. Đại biểu đề nghị, cần quy định thêm về việc hỗ trợ vốn ưu đãi, học nghề, việc làm cho người bị thu hồi đất, thực hiện đúng mục tiêu “chỗ ở mới tốt hơn nơi ở cũ”.

Cũng liên quan tới Điều 86, ĐBQH Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cho rằng, các dự án án phát triển kinh tế - xã hội nếu thỏa thuận được với người dân là rất tốt và người dân đồng thuận. Tuy nhiên phải trao đổi rất kỹ. Đại biểu Đào Hồng Vận băn khoăn liệu Bộ Tài nguyên và môi trường có khảo sát, đánh giá các dự án theo Điều 73 của Luật Đất đai năm 2013 hay chưa?

Hiện nay tại Hưng Yên rất khó thực hiện và đang gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư khi bỏ ra một số tiền lớn để đền bù nhưng không thể đưa dự án vào thực hiện do một số người dân đòi giá thỏa thuận rất cao, gấp nhiều lần so với người đã thỏa thuận và đền bù trước đó. Và có trường hợp thì giá nào cũng không chịu.

Như vậy, đại biểu cho rằng, nếu chấp thuận đền bù thì sẽ gây mâu thuẫn ngay trong nội bộ người dân vì người được cao, người lại thấp. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu. Mặt khác, đối với dự án phát triển đô thị, nhà ở thương mại đấu giá sử dụng đất, dự thảo quy định lựa chọn nhà đầu tư qua hình thức đấu giá đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và Nhà nước trực tiếp đấu giá đất ở. Vì vậy, Nhà nước phải tổ chức giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch đấu giá.

Ngoài ra, theo đại biểu, Nhà nước có thể thu hồi đất, nhưng giá đền bù, hỗ trợ phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trên cơ sở thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất, dùng phương pháp toán học, phương pháp thống kê tính toán, cùng với phương pháp để xác định vùng đất chuẩn, thửa đất chuẩn, số lượng thửa đất,... thì có thể xác định được giá đất. Điều này sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay. 

Đồng thời, từ giá đất này sẽ thực hiện rất nhiều công việc để đảm bảo trách nhiệm đóng góp về mặt tài chính của người sử dụng đất,  cũng như tính được giá đất cụ thể. Cùng với đó, công khai được giá đất cụ thể và người dân có quyền tiếp cận. 

Về thu hồi đất và bồi thường, Bộ trưởng cho biết, dự thảo đã quy định rõ tiêu chí giao đất không phải đấu thầu, đấu giá. Về vấn đề đất đai cần phải đấu thầu, đấu giá có hai hình thức. Và quan trọng nhất ở đây là làm sao thực hiện được hài hòa lợi ích của người dân và lợi ích của Nhà nước và lợi ích doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn nhất là làm sao xác định được điều kiện, tiêu chí, Bộ trưởng cho biết sắp tới sẽ nghiên cứu và mong các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, khoa học tiếp tục tham gia góp ý lượng hóa, cụ thể.

Hà Lê