|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Một phần nội dung Milo tố Ovaltine cạnh tranh không lành mạnh là có cơ sở'

14:13 | 27/09/2018
Chia sẻ
Giám đốc công ty Luật TGS nhận định Milo có cơ sở pháp lý để tố Ovaltine Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh, song họ cần một hội đồng giám định để kết luận việc đó.
milo co co so phap ly de to ovaltine canh tranh khong lanh manh Milo đâm đơn 'tố' Ovaltine cạnh tranh không lành mạnh

Nestle Việt Nam vừa gửi công văn tới Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công Thương để đề nghị xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm luật quảng cáo. Đối tượng mà Nestle, đơn vị sở hữu thương hiệu Milo, “tố” là Friesland Campina, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Ovaltine và đang thực hiện chiến dịch truyền thông cho Ovaltine.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc công ty Luật TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), nhận định rằng mọi người cần hiểu rõ khái niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi phân tích tình huống giữa Milo và Ovaltine.

Thứ nhất, đối với cáo buộc Ovaltine sao chép ý tưởng, vi phạm quyền tác giả, chúng ta cần phải xem xét trên cơ sở các quy định về quyền tác giả. Theo Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả thì ý tưởng mới, mà chưa được thể hiện dưới hình thức một tác phẩm thì sẽ không được pháp luật bảo hộ.

Do vậy, về phía Công ty Nestlé nên xem xét lại lời cáo buộc này. Họ có thể hướng tới cáo buộc sự xâm phạm nhãn hiệu của Ovaltine nếu như Nhãn hiệu Milo đã được đăng ký bảo hộ về hình ảnh, màu sắc.

milo co co so phap ly de to ovaltine canh tranh khong lanh manh
Hai tấm biển quảng cáo của Milo và Ovaltine Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh.

Về việc Nestle cáo buộc Ovaltine thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm Luật Cạnh tranh, ông Tuấn lập luận:

"Luật cạnh tranh của Việt Nam năm 2004 đã đưa ra khái niệm và liệt kê các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đó là các hành vi của doanh nghiệp nhằm mục đích cạnh tranh trong quá trình kinh doanh, trái với chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hai đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng", ông Tuấn phát biểu.

Vấn đề cốt lõi và cần thiết để khẳng định một hành vi cạnh tranh không lành mạnh là phải làm rõ hành vi đó “trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh” hay không?

Xét trên phương diện các quy định pháp luật về Quảng cáo. Tại Khoản 12 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 về Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo: Hành vi “Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh” là một hành vi bị cấm.

Dẫn chiếu sang Luật cạnh tranh, theo khoản 4 Điều 39 Luật cạnh tranh năm 2004, có hiệu lực từ ngày 01/07/2005 về các hành vi bị coi là cạnh tranh không lành mạnh bao gồm hành vi Gièm pha doanh nghiệp khác.

Cụ thể hơn, Điều 43 Luật cạnh tranh 2012 về hành vi Gièm pha doanh nghiệp khác quy định:

“Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.”

Ở trường hợp này, Ovaltine đã có hành vi “bóp méo” thông điệp truyền thông mà Milo muốn đem lại cho khách hàng là “nhà vô địch” trở thành “bệnh thành tích”, với mong muốn con cái trở thành nhà vô địch mà tạo nên sức ép tới chúng, từ bị áp lực tới ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ em. Điều này có gây ra những ảnh hưởng nhất định đến uy tín, và hoạt động kinh doanh của Milo, biểu hiện rõ ràng qua phản hồi của một số khách hàng thay đổi lựa chọn tiêu dùng của mình, và từ những bình luận từ phía công chúng.

Phần lớn các posters của Ovaltine có màu màu xanh đậm, màu đặc trưng của Milo nên dễ gây ra sự nhầm lẫn cho khách hàng khi lựa chọn sản phẩm. Đây là lý do Nestle cáo buộc Ovaltine thực hiện hành vi bị cấm trong quảng cáo.

milo co co so phap ly de to ovaltine canh tranh khong lanh manh
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc công ty Luật TGS.

Khoản 2 Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2004 như sau: Hành vi “Bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng” bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Nhưng để có thể xác định được xem phía Ovaltine có thực sự có hành vi này hay không, hãng Nestle cần chờ sự giám định kỹ càng bởi bộ phận chuyên môn của cơ quan chức năng.

Nếu kết quả giám định khẳng định Ovaltine có thực hiện hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh thì sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng nếu là gièm pha doanh nghiệp khác và bị phạt tiền từ 60 đến 140 triệu đồng nếu là hành vi quảng cáo bắt chước bên phía Milo theo Nghị định số 71/2014/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh trong hoạt động quảng cáo thể hiện ở các nội dung:

+ Quảng cáo phải đảm bảo tính trung thực, nghĩa là thông tin trong sản phẩm quảng cáo phải chính xác, đầy đủ;

+ Không được thổi phồng, phóng đại, nói quá;

+ Quảng cáo phải tôn trọng đối thủ cạnh tranh: nghĩa là thương nhân phải cạnh tranh bằng chính năng lực của mình. Không bắt chước sản phẩm quảng cáo của đối thủ;

+ Không thông qua sản phẩm quảng cáo để dèm pha, công kích, nói xấu hay hạ thấp uy tín của đối thủ;

+ Quảng cáo phải đảm bảo sự tôn trọng con người: sự tôn trọng con người thể hiện trong việc cung cấp thông tin trung thực trong sản phẩm quảng cáo;

+ Không khai thác sự kém hiểu biết, hoặc thiếu thông tin của một số đối tượng (như người già, trẻ em) hoặc hạn chế của người nghèo, người khuyết tật;

+ Sản phẩm quảng cáo không chứa đựng các thông tin nhằm dụ dỗ, lôi kéo khách hàng; Sản phẩm quảng cáo không chứa đựng nội dung, hình ảnh gây phản cảm;

+ Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội cả trong hoạt động quảng cáo.

Xem thêm

Nhạc Dương