|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bài học về bán hàng và tiếp thị từ chiến dịch tranh cử tổng thống ở Mỹ

22:42 | 26/09/2020
Chia sẻ
Những phương thức thuyết phục thể hiện rất rõ trong các chiến dịch Trump và Biden và chúng là ví dụ hữu ích về việc bán và tiếp thị hiệu quả.

Hiện tại, Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Joe Biden đang tích cực bán các ý tưởng và đường lối. Các chiến dịch của họ đang sử dụng các chiến thuật thuyết phục mạnh mẽ để kiếm thêm phiếu bầu. Chủ doanh nghiệp có thể sử dụng các chiến thuật tương tự này để kiếm thêm khách hàng, theo Entrepreneur.

Trong chuyên luận có tựa đề "Hùng biện" được viết vào khoảng năm 350 trước Công nguyên, Aristotle đã mô tả ba phương pháp thuyết phục. Các chuyên gia tiếp thị, diễn giả và các ứng cử viên chính trị vẫn sử dụng các phương pháp ấy để thu phục công chúng. 

Những phương thức thể hiện rất rõ trong các chiến dịch Trump và Biden và chúng là ví dụ hữu ích về việc bán và tiếp thị hiệu quả.

Phương pháp đầu tiên là "logo" hoặc logic. Đó là sử dụng dữ liệu, suy luận và dữ kiện để tìm kiếm sự đồng ý của người khác. Cả hai ứng cử viên tổng thống đều trích dẫn các số liệu thống kê mà họ tin rằng sẽ tốt nhất cho họ và gây hại cho đối thủ. 

Nếu nghe số liệu thống kê về nền kinh tế hiện tại và trong chính quyền tiền nhiệm, cử tri sẽ nghe những con số liên quan đến những thay đổi thống kê về số ca nhiễm COVID-19. Cả hai phe đều phác thảo kế hoạch cho tương lai, liệt kê các giải pháp họ sẽ thực hiện để cải thiện đất nước. Phương thức thuyết phục này cố gắng thu hút chúng ta bằng dữ liệu và logic.

Mọi người sẽ thấy cách tiếp cận tương tự trong một quảng cáo ô tô mà trong đó nó mô tả các tính năng, quãng đường đi và giải pháp hỗ trợ tài chính hiện có của ô tô. Biểu trưng là tất cả về ý tưởng và thông tin.

Đương nhiên, thông tin như thế chỉ có hiệu quả nếu công chúng tin vào nó. Thực tế ấy dẫn chúng ta đến phương thức thuyết phục thứ hai là tạo dựng niềm tin.

Bài học về bán hàng và tiếp thị từ chiến dịch tranh cử tổng thống ở Mỹ - Ảnh 1.

Cả hai phe đều phác thảo kế hoạch cho tương lai, liệt kê các giải pháp họ sẽ thực hiện để cải thiện đất nước. Ảnh: BBC

Để tạo niềm tin, bạn phải giải thích lí do bạn là chuyên gia hoặc người có uy tín trong lĩnh vực nào đó. Với phương pháp này, nội dung thông điệp không quan trọng bằng người phát thông điệp.

Uy tín hình thành bởi sự công nhận của bên thứ ba. Tại hai đại hội quốc gia của đảng Dân chủ và Cộng họa, các diễn giả nổi tiếng đã khen ngợi ứng cử viên của đảng họ.

Cả hai ứng cử viên đều khoe về việc các tổ chức ủng hộ họ. Mỗi người sẽ đề cập kinh nghiệm, thành tích và những nghịch cảnh mà họ đã vượt qua. Họ sẽ đưa các thành viên trong gia đình lên sân khấu để khiến họ có vẻ gần gũi với người dân. 

Mỗi ứng viên sẽ tỏ ra nghi ngờ về ý định, năng lực và tính cách của đối thủ. Họ cũng sẽ thách thức và bác bỏ mọi tác phẩm báo chí nào mà họ nhận định là không công bằng hoặc không đúng sự thật.

Trong video quảng cáo xe hơi, nhà sản xuất sẽ nói với khán giả rằng xe của họ là sản phẩm số một. Họ có thể khoe một giải thưởng danh giá, hay ảnh một diễn viên nổi tiếng đang lái xe. Công chúng nghĩ rằng nếu diễn viên nổi tiếng kia mua chiếc xe, chắc chắn nó có chất lượng cao.

Khơi gợi cảm xúc là phương pháp thứ ba. Nó đòi hỏi chúng ta khai thác cảm xúc của người khác. Nếu chúng ta có thể khiến họ cảm thấy một điều gì đó, họ có thể hành động theo ý muốn của chúng ta. 

Đối với cả Tổng thống Donald Trump và cựu phó tổng thống Joe Biden, cảm xúc mà hai ông đang cố gắng khơi gợi là sự dâng trào và nỗi sợ. Họ đều phát biểu những nội dung khiến người nghe cảm thấy nhiệt huyết sôi sục, đồng thời sợ hãi.

Hai ông đều cho mọi người thấy tầm nhìn về một nước Mỹ đẹp hơn, tốt hơn và thịnh vượng hơn, nhưng họ lại cảnh báo mọi người về việc đảng đối thủ sẽ phá hoại đất nước. Họ kể câu chuyện về những người dân Mỹ đang lao động, chịu đựng gian khổ, nỗ lực sinh tồn, đói khát để tăng mức độ nhân văn trong hình ảnh của họ.

Khẩu hiệu của hai ông là "Khiến cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" và "Khôi phục linh hồn nước Mỹ". Chúng không cung cấp thông tin. Sứ mệnh của cả hai khẩu hiệu là khơi gợi cảm xúc của người dân, để họ hành động có lợi cho ứng cử viên.

Đó là lí do quảng cáo ô tô sẽ dùng hình ảnh người chủ xe cười rạng rỡ, còn những người hàng xóm tỏ thái độ ghen tị. Họ sẽ cho khán giả xem cảnh một cặp vợ chồng lái chiếc xe tới một nhà hàng, hay một nhóm thanh niên ngồi trên xe và hát hò khi xe chạy trên phố. 

Vui chơi cùng bạn bè luôn là hoạt động thú vị với mỗi chúng ta, nên các nhà quảng cáo luôn khai thác triệt để hình ảnh đó để khơi gợi cảm xúc của người xem.


Nhạc Phong