|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Một nửa người dùng smartphone sẽ trì hoãn mua sản phẩm mới

12:34 | 23/06/2020
Chia sẻ
Khảo sát cho thấy khoảng một nửa người dùng smartphone sẽ trì hoãn việc mua sản phẩm mới. Ngân sách chi tiêu cho smartphone cũng giảm 20% và xu hướng này sẽ tiếp diễn cho tới năm 2021.
Một nửa người dùng smartphone sẽ trì hoãn việc mua sản phẩm mới - Ảnh 1.

Người dùng smartphone trên tàu điện ngầm. Ảnh: Counterpoint Research)

Theo bài viết tại tiểu mục Consumer Lens trên chuyên trang nghiên cứu thị trường công nghệ Counterpoint Research, cứ ba người được hỏi thì có một người mong muốn cắt giảm 20% chi tiêu khi mua chiếc smartphone kế tiếp.

Hoạt động của các nền kinh tế lớn đều chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng COVID-19. Với số ca nhiễm bệnh hơn 8 triệu người trên toàn thế giới vào tháng 6 và đang tiếp tục gia tăng, tất cả các thị trường lớn đều có sự suy giảm nhất định về chi tiêu tiêu dùng, điều này có thể dẫn tới tăng trưởng doanh số smartphone của các hãng trên thế giới giảm trong năm 2020.

Cuộc khảo sát Consumer Lens của Counterpoint Research hướng đến đối tượng người sử dụng smartphone tại 7 quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, Anh, Ấn Độ, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy, trong tháng 5 và 6.

Ý kiến người tiêu dùng không đồng nhất về độ tuổi, thu nhập hàng tháng, giới tính và nghề nghiệp. Các điểm dữ liệu được chọn tuân theo tất cả các bài kiểm tra mang tính logic trong phần phân tích và thể hiện rõ hơn xu hướng smartphone hiện thời và ý định mua hàng trong tương lai.

Kết quả thu được cho thấy, một nửa số người được hỏi mong muốn trì hoãn việc mua sản phẩm tiếp theo. Ấn Độ là quốc gia có tỉ lệ trì hoãn mua hàng trong tương lai ở mức cao nhất (61%), tiếp theo là Tây Ban Nha và Italy lần lượt là 58% và 56%, những người này có ý định kéo dài thời gian thay thế smartphone hiện tại của họ. Tại Mỹ, con số có ý định trì hoãn mua mới là 41%. Đức là quốc gia có ít người muốn kéo dài thời gian mua hàng nhất (34%).

Nhận xét về ý định mua hàng của người tiêu dùng, Chuyên gia phân tích cao cấp, Pavel Naiya cho biết, "Sự bùng phát dịch COVID-19 và sự không chắc chắn về thu nhập trong tương lai đã ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng với nhiều hạn chế nghiêm ngặt về việc mua hàng.

Người tiêu dùng smartphone tại Tây Ban Nha và Italy là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Người tiêu dùng có ý định cắt giảm ngân sách mua smartphone trong tương lai từ 20% trở lên đạt cao nhất ở Tây Ban Nha (27%) và Italy (25%), tiếp theo là Mỹ (24%). Nhìn vào tình hình hiện tại, chúng tôi dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục như vậy cho đến giữa năm 2021".

Một nửa người dùng smartphone sẽ trì hoãn việc mua sản phẩm mới - Ảnh 2.

Ý định chi tiền mua smartphone trong tương lai của người tiêu dùng tại 7 quốc gia trên thế giới. (Nguồn: Counterpoint Consumer Lens)

Để duy trì giãn cách xã hội, 2/3 số người được hỏi ở Ấn Độ và hơn một nửa số người được hỏi ở Italy và Mỹ đang tìm kiếm kênh bán hàng hạn chế tiếp xúc. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc đặt hàng trực tuyến nhiều hơn với các dịch vụ giao hàng tận nhà và đặt hàng trực tuyến thay vì mua sắm tại cửa hàng, nó còn được gọi với cái tên là "Thương mại trực tuyến tới ngoại tuyến" (O2O) hay "nhấp-và-chọn" (click-and-collect).

Bàn về các cách tiếp cận khác nhau của nhiều nhà sản xuất, Trợ lí nghiên cứu, Arushi Chawla cho biết, "Chúng tôi thấy nhiều sáng kiến đã được thực hiện ở các nước đang phát triển như Ấn Độ trong giai đoạn đầu phong tỏa vì dịch bệnh.

Xiaomi triển khai ứng dụng web Mi Commerce để kết nối người tiêu dùng với cửa hàng bán lẻ gần nhất. Samsung đã hợp tác chiến lược với Benow để giúp các nhà bán lẻ đặt hàng trên nền tảng của mình.

Vivo’s Smart Retail, nơi khách hàng có thể gửi các câu hỏi liên quan đến sản phẩm của mình tới các nhà bán lẻ thông qua SMS và liên hệ với cửa hàng điện tử (shop.vivo.com) hoặc trang Facebook chính thức để đặt hàng. Khách hàng của Oppo có thể đặt giao hàng hoặc tăng yêu cầu dịch vụ trên WhatsApp hoặc qua SMS.

Bà Chawla cho biết thêm, "Tất cả các hoạt động O2O đi kèm với các chi phí chung và chi phí bổ sung liên quan đến chiến dịch nâng cao nhận thức. Đó là khó khăn chung đặc biệt là khi hầu hết các nhà sản xuất smartphone này đã hoạt động biên lợi thấp. Tuy nhiên, COVID-19 vẫn còn đó và các thương hiệu hàng đầu sẽ mong muốn tạo ra các khoản đầu tư chiến lược dài hạn để làm cho việc phân phối của họ trở nên linh hoạt hơn".

Khi thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) là tâm điểm của đại dịch COVID-19, Counterpoint đã có một cuộc khảo sát tâm lí của người tiêu dùng về smartphone được sản xuất tại Trung Quốc. Kết quả cho thấy, tâm lí bài trừ hàng Trung Quốc là cao nhất đối với người tiêu dùng Ấn Độ, hơn một nửa số người được hỏi có thái độ tiêu cực đối với các sản phẩm "Made-in-China" hoặc các thương hiệu smartphone từ Trung Quốc. 

Khoảng 4/10 người được hỏi nói rằng họ sẽ không mua các sản phẩm Made-in-China hoặc smartphone từ các thương hiệu Trung Quốc. Các chuyên gia của Counterpoint tin rằng cuộc xung đột gần đây về Đường kiểm soát Ấn Độ - Trung Quốc (LAC) sẽ đóng vai trò lớn trong việc định hình hành vi của người tiêu dùng.

Nhiều thương hiệu gần đây đã khởi xướng chiến dịch “Made-in-India” và các chiến dịch quốc gia khác. Lưu ý rằng cuộc khảo sát thực hiện trước cuộc đối đầu giữa Ấn Độ-Trung Quốc tại LAC ở Thung lũng Galwan.

Tương tự như vậy, khoảng 1/5 số người được hỏi từ Mỹ không muốn mua các sản phẩm Made-in-China. Trong thời đại toàn cầu hóa, thật khó để gắn nhãn một sản phẩm là "Hàng Trung Quốc" vì các thành phần cấu thành nên sản phẩm có nguồn gốc từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới.

Nhiều "gã khổng lồ" công nghệ như Apple cho biết họ sẽ đa dạng hóa việc sản xuất sang các quốc gia khác như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ... Mặc dù chiến dịch này được cho là để thoát khỏi sự quá lệ thuộc vào hệ sinh thái của Trung Quốc hơn là tâm lí bài trừ hàng Trung, tuy nhiên, đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn để hãng có thể thiết lập hệ sinh thái tương tự tại các quốc gia khác.

Có thể dễ dàng đa dạng hóa việc lắp ráp các bộ phận sản phẩm nhưng việc chọn đúng nhà cung cấp nằm trong khu vực địa lí với lao động lành nghề đòi hỏi phải có sự hợp tác và đầu tư chiến lược lâu dài.

Tường Vy