|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Dân thành thị mua hàng tạp hóa và chợ nhiều hơn siêu thị

13:53 | 22/06/2020
Chia sẻ
Dù các kênh mua sắm trực tuyến và siêu thị, đại siêu thị ghi nhận tăng trưởng ấn tượng, tạp hóa và chợ vẫn chiếm phần lớn thị phần ở 4 thành phố chính của Việt Nam.

Đây là kết quả khảo sát được hãng nghiên cứu thị trường Kantar ghi nhận từ ngày 26/1-19/4 tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Theo đó, tiệm tạp hóa và chợ lần lượt chiếm 61,1% và 12,2% thị phần mua sắm các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Dù đã sụt giảm 2,6% và 0,3% so với cùng kì 2019, đây vẫn là 2 kênh mua sắm được chọn lựa nhiều nhất của người dân 4 TP lớn này.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh của Kantar Việt Nam, Worldpanel, nhận định động lực tăng trưởng chính của những kênh này là sự gia tăng độ lớn của giỏ hàng.

Khoản chi tiêu trung bình khi mua sắm ở chợ và tạp hóa tăng 27% và 17% so với cùng kì năm trước, trong khi các loại hình siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ tăng 10-14%. Thậm chí, số tiền trung bình cho một lần mua sắm trực tuyến còn giảm 1% trong 12 tuần đầu tiên xuất hiện Covid-19.

Dân thành thị mua hàng tạp hóa và chợ nhiều hơn siêu thị - Ảnh 1.

Tạp hóa và chợ là các kênh mua sắm hàng ngày chiếm thị phần chính ở 4 TP lớn của Việt Nam. Ảnh: Lan Anh.

Tuy nhiên, siêu thị, đại siêu thị và các kênh mới nổi gồm siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử tỏ ra tăng trưởng ấn tượng trong đại dịch, với thị phần cao hơn 0,4-1,8% so với năm ngoái.

Trong đó, Big C, VinMart và các chuỗi bán lẻ thuộc Saigon Co.op là 3 hệ thống siêu thị, đại siêu thị tăng trưởng mạnh nhất về lượng giao dịch. Tốc độ tăng trưởng lần lượt là 67%, 30% và 16%. Ở kênh siêu thị mini, VinMart+ và Bách Hóa Xanh lại ghi dấu ấn với đà tăng trên 70% so với thời điểm trước dịch.

Ông Lê Hoàng Long - Quản lý bộ phận tư vấn chuỗi bán lẻ của Nielsen Việt Nam cho rằng các kênh bán lẻ hiện đại gồm siêu thị, đại siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh còn rất nhiều tiềm năng để khai phá.

"Nhiều năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng FMCG trong kênh hiện đại đều ở mức 2 chữ số, trong khi kênh tạp hóa truyền thống thường xuyên dưới ngưỡng 5%. Các kênh hiện đại cũng còn rất nhiều dư địa phát triển khi tỉ trọng doanh thu của FMCG trong kênh này còn ở mức thấp, dưới 20%, trong khi nhiều nước khu vực đã đạt gần 50%", ông lí giải.

Chia sẻ với Zing, ông đánh giá mỗi kênh có vai trò khác nhau. Khảo sát của Nielsen Việt Nam chỉ ra lí do hàng đầu của người dân khi đi siêu thị, đại siêu thị là tích trữ nhu yếu phẩm định kì và kết hợp ăn uống, vui chơi. Trong khi đó, siêu thị mini giúp họ chuẩn bị bữa ăn hàng ngày nhờ thực phẩm tươi sống và lượng cửa hàng rộng khắp.

Bên cạnh đó, người dân mua sắm tại cửa hàng tiện lợi trong quá trình di chuyển, làm việc ngoài đường, hoặc khi có nhu cầu khẩn cấp, còn những cửa hàng chuyên doanh hút khách nhờ sự đa dạng hàng hóa đặc thù và tính tiện lợi. 

"Siêu thị chiếm ưu thế về lượng chi tiêu của người dân nhưng những kênh mô hình nhỏ chiếm ưu thế về tần suất mua sắm", ông Hoàng Long cho biết.

Nói về tình hình mua hàng trực tuyến hậu Covid-19, các chuyên gia từ Kantar và Nielsen Việt Nam đều nhận thấy xu hướng tăng trưởng. Nghiên cứu của Kantar cho thấy Facebook và Shopee, 2 nền tảng TMĐT phát triển ấn tượng nhất trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, có số lượt mua sắm lần lượt tăng 126% và 102% so với cùng kì năm 2019.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Long, kênh trực tuyến sẽ tồn tại song song chứ khó thay thế hoàn toàn các điểm bán trực tiếp. "Khi đang đi đường và cần mua 1 chai nước, người dân sẽ mua ở tạp hóa hoặc cửa hàng tiện lợi. Một số sản phẩm cần lựa chọn hoặc dùng trong ngày như thực phẩm tươi sống, người dân cũng thường ưu tiên mua trực tiếp hơn", ông dẫn chứng.

Do đó, đại diện Nielsen Việt Nam dự báo sẽ có nhiều "cú bắt tay" giữa những nhà bán lẻ trực tuyến và trực tiếp để tạo ra hệ sinh thái đa kênh, tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn và gia tăng trải nghiệm mua sắm mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi.

Lan Anh