|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Một con số GDP, hai cách diễn giải trái chiều từ Trump-Biden

10:50 | 30/10/2020
Chia sẻ
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump ca ngợi số liệu GDP quí III như bằng chứng cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi nhanh chóng. Song, đối thủ Đảng Dân chủ Joe biden lại tập trung vào "hố sâu" mà nền kinh tế Mỹ chưa thể thoát ra.

Dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 33,1% trong quí III, tính theo tỉ lệ được chuẩn hóa theo năm. Tốc độ tăng trưởng quí III/2020 vượt dự đoán của các nhà phân tích nhưng giá trị GDP vẫn thấp hơn 3,5% so với quí cuối năm 2019.

Đằng sau số liệu kinh tế bất cập là hàng triệu người lao động Mỹ thất nghiệp và khó khăn của họ có thể ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu trong cuộc đua tổng thống năm nay.

Trái chiều quan điểm của Trump - Biden về GDP quí III: Tăng trưởng và 'hố sâu' - Ảnh 1.

Trong một tuyên bố ngày 29/10, cựu Phó Tổng thống Joe Biden nhắc nhở cử tri rằng nền kinh tế Mỹ chưa thoát khỏi "hố sâu" và quá trình phục hồi đang chững lại cũng như chỉ mang lại lợi ích cho "người giàu có".

"Đúng là số liệu GDP tăng trong quí III, nhưng người dân không ngừng đến nhận thực phẩm tiếp tế và tỉ lệ nghèo đói lại tăng lên. Cộng đồng người Mỹ gốc Phi và Mỹ Latin vẫn phải chứng kiến tỉ lệ thất nghiệp hai con số", ông Biden nói.

"Tôi sẽ sát cánh cùng người dân để kiềm chế đại dịch COVID-19 và cung cấp cứu trợ cần thiết cho các bạn", ông Biden hứa hẹn.

Trong khi đó, Tổng thống Trump và "phó tướng" Mike Pence đều hứa hẹn với cử tri rằng họ sẽ tiếp tục đà tăng trưởng hiện có nếu được trao thêm một nhiệm kì khác.

"Số liệu GDP vừa được công bố. Con số lớn và khả quan nhất trong lịch sử nước Mỹ... Tôi thật mừng khi số liệu GDP tuyệt vời này được công bố trước ngày bầu cử 3/11", Tổng thống Trump khẳng định.

Theo Reuters, cử tri Mỹ cho biết kinh tế là một trong các vấn đề quan trọng nhất mà họ cân nhắc trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Tuy nhiên, thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra lại không đồng đều trong các cộng đồng dân cư.

Ông Josh Bivens, Giám đốc Nghiên cứu của Viện Chính sách Kinh tế, cho biết một số cử tri có thể nhận thấy số liệu tăng trưởng mạnh không phù hợp với trải nghiệm thực tế của họ sau khi nền kinh tế Mỹ hứng chịu cú sốc COVID-19.

Khoảng một nửa trong 22 triệu việc làm biến mất trong đại dịch đã trở lại, tuy nhiên tốc độ tuyển dụng mới đang chững lại. Số ca nhiễm mới đang gia tăng trên khắp cả nước và một số công ty cảnh báo họ có thể phải cắt giảm thêm nhân sự.

Trái chiều quan điểm của Trump - Biden về GDP quí III: Tăng trưởng và 'hố sâu' - Ảnh 2.

Ông Bivens nhận xét: "Khoảng cách giữa số liệu GDP và cách mà hầu hết mọi người cảm nhận về nền kinh tế Mỹ thậm chí sẽ còn nới rộng trong vài tuần hoặc vài tháng tới".

Cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra là chưa từng có vì nó đánh mạnh vào các lĩnh vực thâm dụng lao động như giải trí và khách sạn, hai ngành thường dựa vào số lượng lớn lao động để cung cấp dịch vụ trực tiếp cho khách hàng.

Ông Bivens nhắc nhở các nhà phân tích nên lưu tâm đến những người phục vụ, pha chế, quản gia và các ngành nghề thu nhập thấp mà công việc của họ đóng góp tương đối ít cho GDP của nền kinh tế Mỹ.

Vị giám đốc của Viện Chính sách Kinh tế lí giải, các ngành thâm dụng lao động khác với ngành công nghiệp ô tô do ngành ô tô thường kết hợp máy móc và vật liệu đắt tiền để sản xuất, không cần nhiều công nhân mà vẫn đóng góp lớn vào GDP của nền kinh tế.

Ông Bivens nói cuộc suy thoái tập trung nhiều hơn vào ngành công nghiệp ô tô có thể dẫn đến tác động lớn để sản lượng kinh tế nhưng rất ít việc làm trong ngành biến mất.

Theo Reuters, trong khi một số người phải chật vật kiếm sống khi thời gian làm việc giảm và mất việc thì những người khác đang làm việc tại nhà, tiết kiệm tiền và mua nhà mới. Ông Jason Pride, Giám đốc cấp cao tại công ty tư vấn Glenmede, nhận thấy tình trạng chia rẽ này có thể gây ảnh hưởng cho cuộc bầu cử.

Các cử tri đang gặp khó khăn tài chính sau khi mất việc có thể bỏ phiếu cho ứng viên mà họ nghĩ sẽ cung cấp nhiều kích thích kinh tế hơn, trong khi những người ổn định về tài chính có thể bỏ phiếu theo hướng ngược lại, ông Pride lí giải.

Nếu đắc cử, ông Biden đã cam kết sẽ thông qua nhiều biện pháp kích thích, nâng mức lương tối thiểu liên bang và triển khai hàng nghìn tỉ USD cho các chương trình xây dựng cơ sở vật chất và năng lượng sạch. Tuy nhiên, ông Biden sẽ cần phiếu bầu của Quốc hội để hiện thực hóa các tham vọng của mình.

Trong khi đó, ông Trump đã phát đi tín hiệu cung cấp thêm kích thích liên bang nhưng chỉ đề cập sơ sài về kế hoạch tạo công ăn việc làm cho người dân.

Khả Nhân